Cuốn sách là câu chuyện cảm động, hài hước về một thiếu nữ từ chỗ là vịt con xấu xí bỗng biến thành thiên nga của nhà văn Jane Green - người được mệnh danh là nữ hoàng của thể loại tiểu thuyết dành cho giới nữ trong độ tuổi 20.
Nhân vật chính Jemima Jones, phụ trách mục Top Mẹo vặt của tờ báo địa phương Kilburn Herald, là cô nàng 27 tuổi, mập ú, mặc đồ cỡ 14, ăn rất nhiều và không thể cưỡng lại sức hút của những món ăn đầy chất béo và cholestron. Đam mê lớn nhất của nàng là những cuốn tạp chí thời trang bóng bẩy, nơi những cô người mẫu tự tin khoe tấm thân kiều diễm. Ước mơ lớn nhất của nàng, không phải trúng xổ số, không phải tìm được một tình yêu thực sự mà là có thân hình của một người mẫu như Cindy Crawford, và giữ được thân hình ấy, cho dù có ăn gì đi chăng nữa...
Ngoài nỗi ám ảnh lớn nhất đời là thân hình không được thon thả, Jemima là cô gái thông minh, hài hước, tốt bụng, biết quan tâm đến người khác và như mọi cô gái khác, cũng có cho riêng mình một hình bóng trong mơ. Đó là Ben Williams, phó phòng tin tức, mẫu người lý tưởng của rất nhiều cô gái. Không những vậy, khả năng viết báo của Jemima cũng rất đáng nể, nhưng dường như nó đã bị uổng phí ở Kilburn Herald, khi mà tất cả những gì người ta nhìn thấy ở nàng chỉ là mỡ - như suy nghĩ hài hước của Jemima.
Một lần, Jemima gửi cho một anh chàng đẹp trai ở Los Angeles mà cô quen biết qua mạng tấm ảnh đã qua chỉnh sửa của cô. Trong ảnh, nàng trở thành cô gái rất cân đối và xinh đẹp. Để không làm chàng trai thất vọng trong ngày gặp mặt, Jemima lao vào một chương trình luyện tập nghiêm ngặt. Kết quả, cô biến thành một thiếu nữ không chỉ gọn gàng, xinh đẹp mà còn rất sành điệu... Những câu chuyện tình yêu của cô cũng mở ra từ đó.
Kết hôn với người mà mình đã mơ ước từ thời trung học, Alice lột xác thành một cô gái hoàn toàn khác. Cô chấp nhận quên đi một Alice rụt rè, không cầu kỳ chải chuốt, thích dộng vật và luôn mơ về một ngôi nhà nhỏ ở thôn quê. Để tương xứng với Joe, người chồng hoàn hảo của mình, Alice phải là một phụ nữ hoàn hảo.
Nhưng phải làm sao khi Alice của ngày xưa thức giấc? Khi cô buộc phải thừa nhận rằng giữa cô và chồng chỉ có một điểm chung duy nhất: Cô yêu Joe và Joe yêu chính mình?
Sau Tôi là Jemina, “nữ hoàng chicklit” Jane Green lại đem đến cho độc giả một câu chuyện mới không kém phần cuốn hút. Một chút hài hước, một chút kịch tính và niềm khao khát được là chính mình, được yêu chân thành, bạn sẽ tìm thấy tất cả trong Đâu chỉ mình anh.
Jane Green (1968) tên thật là Jane Green Warburg, cùng với Helen Fielding được coi là một trong những người sáng lập dòng sách chicklit. Trước khi trở thành nhà văn, bà từng có nhiều năm làm báo cũng như đôi lần tham gia vào lĩnh vực quan hệ công chúng cho phim ảnh, truyền hình và người nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên ở London, Anh, nhưng hiện bà sống ở Connecticut, Mỹ, cùng chồng và sáu người con.
Lý trí và tình cảm của Jane Austen – Tác giả được xếp vào hàng đầu của nền văn học Anh quốc trong mọi thời đại.
Truyện "Lý trí và Tình cảm" xoay quanh hai chị em Elinor và Marianne. Cô chị Elinor có nhiều lý trí, cẩn trọng, biết cách tự kiềm chế vui buồn, cô em Marianne hành xử theo cách vô cùng lãng mạn, buông thả vào những tình cảm đến mức khinh xuất.
Làm thế nào mỗi cô thiếu nữ ứng phó với bất hạnh trong tình cảm và rút tỉa được những bài học cho mình đã tạo nên mấu chốt cho câu chuyện. Ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái (hoặc quá nuông chiều hoặc quá khe khắt) trong giai đoạn này ở Anh Quốc cũng được trình bầy khá rõ nét.
Cách đan kết hai chị em có hai tố chất khác hẳn nhau qua mỗi biến động tâm tư và những nhu cầu thực tế cùng hạn chế của nữ giới trong khung cảnh xã hội Anh quốc vào thế kỷ 18.
Chú bé Peter Pan-chú bé không bao giờ lớn-một đêm mò đến phòng trẻ của nhà Darling gồm Wendy, Jonh và Micheal. Chú đã dạy cho chúng biết bay, và mang chúng qua bầu trời tới Neverland, xứ sở thần thoại có người Da đỏ, sói, tiên cá và... lũ cướp biển.
Cầm đầu lũ cướp biển là thuyền trưởng Hook nham hiểm. Một tay hẳn đã bị đớp mất bởi một con cá sấu, con vật mà, như Hook giải thích, "đã thích tay tao đến mức nó cứ bám riết lấy tao từ đó, thèm thuồng muốn liếm nốt cái phần còn lại". Sau rất nhiều biến cố, câu chuyện đạt tới đỉnh điểm khi Peter, Wendy và lũ trẻ phải đối mặt trong trận chiến với lũ cướp biển và đã giành chiến thắng giòn dã. Tất cả trở về nhà Wendy trong vòng tay yêu thương của ông bà Darling, chỉ có Peter Pen tiếp tục ở lại Nerverland, bởi cậu bé thích cuộc sống tự do, vô tư lự bên các nàng tiên hơn là trở thành một người lớn khuân mẫu và nghiêm nghị.
Nếu có thể nói một câu về Peter Pan thì đó sẽ là: một tác phẩm kỳ diệu ra đời từ trí tưởng tượng kỳ diệu và tài kể chuyện có một không hai của James Matthew Barrie.
Một Dublin hiện lên với những đường phố, nhà thờ, quán rượu, sòng bạc…cùng tiếng nói cười ồn ã, xô bồ của những con người sống trong những không gian chật chội, xám xịt, trong những khoảnh khắc ngày đêm bất chợt…Các nhân vật của Người Dublin đang cố gắng giãy giụa, vượt thoát khỏi cuộc sống thường ngày đáng chán…Ai vượt qua, người đó sẽ là anh hùng như Ulysses. Anh hùng, trong đời sống hàng ngày, trong từng thời khắc sống. Hình như James Joyce đang từ nơi xa lắm vẫy gọi chúng ta: “Bạn ơi! Can đảm lên mà sống. Hãy là Ulysses”
Một tập truyện ngắn day dứt lòng người với những bí ẩn, những khoảng tối tăm nơi tâm hồn con người trong cái xã hội tê liệt, tù đọng, dối trá, đói khổ…
Nó hé mở cho bạn đọc những bí ẩn tâm hồn, chìm lấp rất sâu nhưng luôn hiện lộ và được che giấu dưới vẻ bề ngoài “lịch sự”, những lời hoa hòe hoa sói, những cử chỉ thanh tao.
Làm thế nào Thomas sống sót được giữa một mê cung khổng lồ đầy những sinh vật nguy hiểm và thay đổi lời giải hằng đêm? Ai sẽ là người sống sót cuối cùng sau những bí mật chết người kia?
Giải mã mê cung, một câu chuyện giả tưởng về nhóm bạn trẻ bị giam giữ trong Trảng với một trí nhớ không rõ ràng, và cuộc vật lộn tìm lối thoát. Hấp dẫn, kịch tính, đầy bất ngờ, tác phẩm này sẽ lôi cuốn bạn đọc cho đến dòng chữ cuối cùng.
Martin Eden đề cập đến số phận của một văn nghệ sĩ trong xã hội tư sản, số phận của một con người nhằm rút khỏi cái thế giới chật hẹp của những lợi ích riêng tư.
Martin xuất thân là một thủy thủ, một người lao động muốn vươn tới ánh sáng của trí thức, thấy được sức mạnh sáng tạo của nhân dân, được rèn luyện trong lao động nặng nhọc, bị những điều kiện sống vô cùng gian khổ đè xuống. Tư tưởng của chủ nghĩa tư bản có ảnh hưởng nguy hại đến đời sống tinh thần của nhân dân, sự bóc lột tàn bạo đã bóp nghẹt những năng lực to lớn của con người vươn tới cuộc sống tri thức: đó là sợi dây xuyên suốt từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết.
Martin đã lý tưởng hóa cái "xã hội thượng lưu" - nơi anh cảm thấy dường như có "sự hào hiệp của tâm hồn, những tư tưởng trong sạch và cao thượng, cuộc sống tinh thần khẩn trương... " Trải qua bao nhiêu thiếu thốn, vấp phải những khó khăn gian khổ không kể siết trên đường đời, cuối cùng, anh đã đạt được vinh quang và giàu có, trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhưng càng gần gũi "thế giới thượng lưu" bao nhiêu anh càng cảm thấy cô đơn bấy nhiêu, càng nhận thấy bộ mặt giả dối của nó.
Con đường đời của Martin là cả một chuỗi vỡ mộng cay đắng và cuối cùng đã đẩy anh tới chỗ tự tử.
Ngay từ khi còn là một thủy thủ bình thường, Martin đã thấy kiến thức chân chính dường như chỉ có thể tìm thấy trong "xã hội thượng lưu." Cái vẻ học thức và tinh tế trong gia đình người chủ nhà băng Morse mà lần đầu tiên anh bước chân vào đã làm anh như mê đi. Nhưng anh càng say mê hơn đối với Ruth cô con gái nhà Morse - anh tưởng thấy tất cả sự trong trắng và cái đẹp tinh thần của cô. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, anh đã nhận thấy cái vẻ đẹp bên ngoài của những con người này chứa đựng cái ích kỷ, sự buôn bán bẩn thỉu và sự trống rỗng tinh thần. Trước đây, trong thời gian ngắn, anh đã nhìn vào cái xã hội bạn bè nhà Morse một cách thành kính, giờ đây anh thấy họ là những kẻ nhỏ nhen với những tư tưởng nhỏ nhe, té ra cái nền học vấn thực sự của nhà Morse, của bạn hữu và những người quen biết họ chỉ là một nền học vấn mù quáng.
Martin Eden là một nghệ sĩ hiện thực chân chính đã nhìn thấy giá trị của nghệ thuật trước tiên là ở tính chân thật của nó. Trong những truyện ngắn của mình, Martin đã vạch trần khuynh hướng sợ sự thực và tô hồng cuộc sống. Nhưng nghệ thuật hiện thực chân chính thù địch với cái xã hội anh đương sống. Trong cái thế giới của đồng tiền, Martin không thể tìm được sự đồng cảm và ủng hộ. Một viễn cảnh đen tối của cái đói rét vẫn chờ đợi con người nghệ sĩ như thế. Và càng xa lánh giai cấp mình, Martin càng cảm thấy một nỗi cô đơn ghê gớm. Anh đã thấy là trong cái xã hội anh đang sống, nghệ thuật không tùy thuộc ở giá trị chân chính của nó mà là ở tên tuổi của nhà văn. Martin đã nói một cách đúng đắn rằng thành công của anh một phần cũng là do tình cờ. Anh không đánh giá quá cao sự nổi tiếng của mình.
London đã dần dần để cho Martin thấy những tư tưởng của anh tan vỡ. Sợi dây cuối cùng nối Martin với xã hội tư bản là tình yêu của anh với Ruth. Tình cảm cao quý này đã thúc đẩy anh, khiến anh có được sức mạnh sáng tạo. Nhưng sự vỡ mộng của anh càng thêm khủng khiếp khi anh hiểu rằng ngay cả Ruth cũng chỉ là một cô gái tư sản tầm thường với những quan điểm hẹp hòi và nhỏ nhen. Cô không thể vượt khỏi cái vòng đai của giai cấp, cô không hiểu nổi Martin, không cảm thông với nguyện vọng sáng tác của anh. Xa lánh anh trong khi anh cần sự khuyến khích của cô hơn bao giờ hết, cô quay lại làm lành với anh khi anh đã trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhưng Martin lại không thể làm lành với cô, cũng như anh không thể làm lành với xã hội tư bản đã đánh lừa mọi hy vọng của anh.
Anh đã hiểu sâu sắc một chân lý: những quan hệ chân chính chỉ có thể tìm thấy trong những người lao động như Lizzie Connolly, Maria Silva và rất nhiều bạn cũ cùng giai cấp anh. Họ không quan tâm tới vinh quang và sự giàu có, họ đánh giá anh trước hết là đánh giá con người anh.
Dường như tất cả những cái đó phải đưa anh tới chủ nghĩa xã hội, dường như anh sẽ cống hiến sức lực và tri thức của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì hạnh phúc của những người lao động. Nhưng Martin là một con người cá nhân chủ nghĩa. Theo lý thuyết của Spencer, anh đã phủ nhận tự do của tập thể và cho rằng cuộc sống là theo quy luật sinh vật học của cuộc đấu tranh sinh tồn.
Martin hiểu rất rõ sự chịu đựng đau khổ của người lao động và hết sức cảm thong với họ. Chính anh cũng đã sống trong tình cảnh đó và không thể không cảm thấy sự lung lay của lập trường Nietzsche 1 của anh. Cuối cùng, Martin đã vỡ mộng với cái triết học Nietzsche, nhưng anh không tìm thấy con đường đến với nhân dân, Martin thấy mình là một người xa lạ trong cái thế giới tư bản đầy những giả dối và lọc lừa nhưng anh lại không thể quay về với những người trong giai cấp anh.
Sức mạnh tinh thần của anh đã bị vỡ tung, cuộc sống đối với anh là một nỗi giày vò, vô ý nghĩa.
Cuộc đời của một nhà văn có tài kết thúc bi thảm như thế: chết trong vòng vây của xã hội, chết xa rời nhân dân và vẫn còn hoang mang trong sự tìm kiếm về triết học và lẽ sống của mình.
Tiểu thuyết Martin Eden kết thúc bằng cái chết của nhân vật chính, đó cũng là lời tiên đoán đối với chính tác giả.
Trong Martin Eden ta thấy rất rõ mâu thuẫn trong thế giới quan của tác giả. Ngay trong thời kỳ phong trào công nhân phát triển mạnh, London vẫn không tránh khỏi dao động. Cùng với những tác phẩm hiện thực, đúng đắn, ông đã viết những truyện ngắn và những tiểu thuyết giả tạo.
London là một trong những bậc tiền bối của nền văn học Mỹ tiến bộ hiện đại. Chúng tôi xin giới thiệu một trong những tác phẩm hay nhất của ông Martin Eden với độc giả.
Nanh Trắng đã được chuyển thể thành phim nhiều lần, bao gồm bộ phim năm 1991.
Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden - nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng.
Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Holden thô thiển, tục tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi.
Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.
©
"Bắt Trẻ Đồng Xanh" là tiểu thuyết của nhà văn Mỹ J. D. Salinger. Tác phẩm kể lại câu chuyện của nhân vật chính, Holden Caulfield, trong những ngày cậu ở thành phố New York sau khi bị đuổi học khỏi trường dự bị đại học Pencey Prep.
"Nếu bạn thực tình muốn nghe, thì điều đầu tiên bạn muốn biết có lẽ là tôi sinh trưởng ở đâu, cái thời thơ ấu mắc dịch của tôi ra thế nào, cha mẹ tôi làm gì trước khi đẻ tôi ra,.. đại để thứ tiểu sử nhì nhằng lối David Copperfield ấy. Nhưng tôi không muốn đi vào những chuyện ấy, nói thật với bạn. Trước hết là vì những thứ đó đối với tôi không có gì là quyến rũ, sau nữa là vì cha mẹ tôi sẽ thổ huyết chừng hai chuyến nếu tôi kể ra điều gì hơi rõ ràng về họ. Họ rất nhạy cảm về những loại như thế, nhất là cha tôi. Họ cũng tử tế đấy chứ - tôi không biết dùng tiếng gì - nhưng đồng thời cũng nhạy cảm khiếp. Ngoài ra tôi cũng không kể cho bạn nghe cái tiểu sử dở hơi của tôi hay gì hết. Tôi chỉ kể cho bạn cái chuyện điên khùng đã xảy đến với tôi vào khoảng cuối lễ Giáng sinh năm ngoái ngay trước khi tôi thành ra lụn bại tinh thần và phải ra đây xã hơi một chút. Nghĩa là cái chuyện mà tôi đã kể hết cho D.B nghe. D.B là anh tôi. Ảnh bây giờ ở Hollywood. Chỗ đó không xa cái nơi hạ tiện này bao nhiêu, và ảnh thường đến tham tôi mỗi cuối tuần, gần như đều đều vậy. Ảnh có lẽ sẽ lái xe chở tôi về nhà khi tôi về vào cuối tháng này. Ảnh vừa mới tậu một chiếc Jaguar. Cái loại xe kiểu Anh chạy chừng hai trăm rưỡi cây số giờ ấy. Ảnh phải trả có đến gần bốn ngàn đồng là ít. Hiện giờ ảnh có khá nhiều xu. Trước kia thì ảnh không có. Hồi trước, lúc ở nhà, ảnh là một văn sĩ suốt ngày chỉ viết lách. Ảnh có viết tập truyện ngắn cực đỉnh nhan đề là Con cá vàng bí mật (trong trường hợp bạn chưa hề nghe đến tên ảnh) . Câu chuyện hay nhất trong ấy là chuyện "Con cá vàng bí mật". Chuyện kể về chú bé con không chịu cho ai nhìn con cá thia vàng của chú bởi vì chú đã tự bỏ tiền ra mua nó. Tôi mê câu chuyện ấy đến chết được. Bây giờ thì ảnh ở Hollywood, anh chàng D.B ấy, đang đánh đĩ ngòi bút. Nếu có một cái gì tôi chúa ghét, thì ấy chính là màn bạc. Bạn đừng có nhắc đến tên nó với tôi......"
Con người có hai phần sáng và tối, thiện và ác, điều đó không có gì là lạ, nhưng ở tử tước Medardo, vị tử tước bị chẻ đôi người trong chiến trận, hai phần ấy lại tách biệt hẳn với nhau. Tử tước chẻ đôi, câu chuyện về một con người nhưng đồng thời cũng là câu chuyện về hai con người, tiếp tục cho chúng ta thấy sự sáng tạo vô biên của văn chương Italo Calvino và khả năng của ông trong việc chạm tới sâu thẳm những gì đen tối nhất, mà vẫn giữ được một phong cách văn chương trôi chảy, khinh khoái.
***
Lời khen tặng dành cho Tử tước chẻ đôi
“…ông đã tặng cho chúng ta một câu chuyện dịu ngọt tuyệt vời có tính chất lưỡng đôi trong Tử tước chẻ đôi, một mẫu hình hai phe thiện và ác chiến đấu với nhau, một câu chuyện hai tầng bậc mở ra thật dễ dàng như một cái phéc mơ tuya…”
- Seamus Heaney
“Kết luận của tôi, nếu có gì đáng nói, là: một số cuốn sách được yêu quý nhiều hơn khi ta còn trẻ; càng già tôi càng có thêm nhiều thời gian dành cho Calvino nhà văn ngụ ngôn (bộ ba Tổ tiên của chúng tagồm Nam tước trên cây, Tử tước chẻ đôi và Hiệp sĩ không hiện hữu), Calvino nhà viết truyện ngắn […] hoặc Calvino nhà tiểu luận.”
- David Mitchell
“Trong một phần tư thế kỷ vừa qua [1950-1975] Italo Calvino đã vượt rất xa các nhà văn Mỹ và Anh cùng thời với mình. Họ tiếp tục nhìn vào nơi lũ nhện chăng mảnh lưới, còn Calvino thì không chỉ đã tìm ra cái nơi đặc biệt ấy mà còn học được cách tự mình tạo ra những tấm lưới văn xuôi kỳ ảo tóm bắt được mọi thứ.”
- Gore Vidal
Cuộc đời bạn đột ngột thay đổi khi một mầm sống mới cựa quậy trong lòng bạn. Vui sướng, ngỡ ngàng và cả lo lắng, thậm chí khủng hoảng, khiếp hãi… là những triệu chứng dễ bắt gặp từ những bà mẹ đơn thân.
Thật không dễ dàng gì để bắt đầu một cuộc sống mới! Sau cái chết đột ngột của mẹ, Anna Temple nhận ra rằng cô cần phải sống và theo đuổi giấc mơ trở thành một nhà thiết kế vườn. Đánh đổi quỹ phòng ngừa rủi ro cho các bờ cỏ, và cổ phiếu cho cây hoàng anh ngát hương thơm, cô tạm biệt cuộc sống chốn thành thị xô bồ để bắt đầu một khởi đầu mới ở vùng nông thôn.
Nhưng trước khi tương lai mới đầy tươi sáng của cô ùa tới, cô đã gặp Xan – một anh chàng cực kỳ đẹp trai, và cuộc gặp mặt của họ đã làm thay đổi thế giới của cô theo nhiều cách mà cô khó có thể tưởng tượng–xuất hiện bé Milly. Việc sắp xếp lại công việc mới và niềm vui lẫn niềm sợ hãi của việc làm mẹ là một nỗ lực khá lớn, đặc biệt khi cô chỉ có một mình và rồi khi Anna phát hiện ra bí mật gia đình đã được che giấu từ lâu, các việc xấu xa được phơi bày ra ngoài ánh sáng. Đột nhiên mọi thứ không như nó vốn có, kể cả trong quá khứ hay hiện tại!
Tác giả:
Isabel Wolff sinh ở Warwickshire, theo học ngữ văn ởCambridge. Tiểu thuyết đầu tay “The Trials of Tiffany Trott” của cô đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên toàn thế giới. Và ba cuốn tiếp theo: “The Making of Minty Malone”, “Out of the Blue” và “Rescuing Rose” đều trở thành sách bán chạy nhất trên toàn thế giới. Các bài báo cô viết cũng xuất hiện nhiều trong các báo và tạp chí quốc gia và cô là người điểm tin cho chương trình Breakfast News của kênh BBC1. Isabel hiện sống ởLondon. Sách của cô được bán bản quyền cho hơn 20 nước trên toàn thế giới, luôn lọt vào Top 10 cuốn sách bán chạy nhất do tờ The Sunday Times bình chọn.
LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO ISABEL WOLFF:
“Quá thông minh cho thể loại chick-lit.” - Time out
“Một sự kết hợp tuyệt vời… Văn phong của Wolff thật hấp dẫn.” - Independent on Sunday
“Wolff có một cách tiếp cận nhẹ nhàng và cách hành văn mượt mà khiến câu chuyện trôi đi một cách tự nhiên.” - Marie Claire
“Một câu truyện hài lãng mạn, hóm hỉnh và ấm áp. Hoàn hảo! Tác phẩm của Wolff có rất nhiều thực tế cũng như niềm vui.” - Helen Lederer, Express
TÌNH YÊU – THAM VỌNG – TỘI ÁC là ba phạm trù xoắn tít nhau tạo nên nhân vật "hắn".
Hắn là ai?
- Là người chúng ta bắt gặp trên đường phố, trong công viên, trong quán ăn, trong rạp hát, trong nhà trường...trong xã hội đó
– xã hội mà nhà văn nổi tiếng của Mỹ, ATR BUCHW ALD gọi là Xã Hội Vĩ Đại. Vĩ đại là vì nó đã sản sinh ra những đứa con sẵn sàng thản-nhiên-đến-lạnh-lùng gây tội ác để thực hiện những ước mơ, tham vọng cuồng điên.
Hắn là ai?
- Là một sinh viên hai mươi bốn tuổi đã khiến chúng ta phải rùng mình ghê sợ trước cái vẻ lì lợm, trâng tráo và tính tàn ác độc địa của hắn, là người vẫn còn bình tĩnh tự đánh giá về mình ngay sau khi đã phạm tội ác tầy đình:
"Mày là một thằng điên!... Nhưng thực sự thì không bao giờ hắn gán cho mình là một thằng điên cả. Hắn nghĩ hắn là một thằng thông minh, gan da, anh hùng và liều lĩnh".
Đấy! Hắn đấy – sản phẩm của một nền giáo dục bị tha hóa bởi sự sùng bái Danh Vọng và Tiền Tài Vật Chất.
Chúng tôi giới thiệu "hắn" trong cái hôn của tử thần, dịch từ nguyên bản tiếng Anh – A Kiss Before Dying- của Ira Levin; bản in lần thứ 4, năm 1964 của nhà xuất bản Pyramid Publications, Inc – New York.
Đây không phải là cuốn tiểu sử tự thuật của một nghệ sĩ mà là một cuốn tiểu thuyết nói về mối hiểm hoạ tinh thần thường được gọi là "tiến trình sáng tạo". Cái cặp bất hạnh và lạ lùng này, Muoth và Gertrude, có thể được coi như là phép ẩn dụ thành công đầu tiên của Hesse cho những nguyên tố bất khả hoà giải trong nghệ thuật - hai cái khả tính mà Nietzsche từng đã đặc tính hoá như là Dionysus và Apollo. "Khi tôi quay nhìn kỹ lại cuộc đời mình, như thể từ bên ngoài, thì cuộc đời đó đặc biệt không hạnh phúc. Nhưng tôi còn ít tỏ rõ hơn trong việc gọi cuộc đời đó là bất hạnh dù cho có tất cả những điều lầm lẫn của nó.
Dù sao, thật là rồ dại cứ phải tra vấn hạnh phúc hay bất hạnh, vì đối với tôi hình như sẽ khó lòng trao đổi những ngày bất hạnh nhất của đời tôi cho tất cả những ngày hạnh phúc. Nếu cái gì đó trong sự hiện hữu của một người là chấp nhận không thể tránh được một cách có ý thức, để nếm trải điều tốt xấu trọn vẹn và để đưa ta đến chỗ cá thể hơn, không ngẫu nhiên và định mệnh nội tâm song song với số mệnh bên ngoài, thế thì đời tôi không trống rỗng mà cũng chẳng phải là vô giá trị Số mệnh, như nó đã được điều khiển bởi quỷ thần, đã giày xéo tàn nhẫn trên sự hiện hữu bên ngoài của tôi như nó đã làm với mọi người, dù vậy cuộc sống nội tâm của tôi vẫn do tôi định đoạt. Tôi đáng được hưởng sự dịu dàng và cay đắng của nó và chấp nhận trọn vẹn trách nhiệm về cuộc đời ấy.
Có những lúc, khi tôi còn trẻ hơn, tôi muốn trở thành thi sĩ. Và nếu bây giờ tôi là thi sĩ, tôi cũng sẽ không phản đối sự cám dỗ để hướng đời tôi trở lại qua những bóng dáng nhẹ nhàng thời thơ ấu của tôi đến những cội nguồn quí giá và che chở của những ký ức đầu đời của mình. Nhưng vật sở hữu này cũng xa vời, thâm thiết và thiêng liêng cho con người mà nay về phần mình tôi đã hoang phí đi mất.
Tất cả đều có đó để nói rằng thời hoa niên của tôi là tốt lành và hạnh phúc. Tôi được tự do khám phá khuynh hướng và tài năng của mình, để thích nghi với những lạc thú và nỗi sầu của mình và để hướng đến tương lai không như một sức mạnh lạ lùng cao cả hơn nhưng như là niềm hy vọng và sản vật của sức mạnh của mình. Bởi thế tôi đã qua những trường học không lưu lại dấu vết gì như một kẻ miễn cưỡng, bất tài, tuy là một học sinh lặng lẽ mà sau cùng họ để cho hắn ghi tên vào lớp học, bởi vì hắn dường như thoát khỏi những ảnh hưởng mạnh mẽ mang chụp lên người hắn. Vào khoảng lên sáu hay bảy tuổi, tôi đã nhận ra rằng tất cả những sức mạnh vô hình mà tôi đã dành riêng cái cảm tình mạnh mẽ và kiệt xuất nhất thì đó là âm nhạc.
Từ giây phút đó trở đi tôi đã có một vũ trụ cho mình, một đền đài và một bầu trời mà không một ai có thể mang đi khỏi tay tôi hay hạ giảm được, và tôi cũng không muốn chia sẻ cho bất cứ người nào. Tôi trở thành một nhạc sĩ, dù tôi không học chơi bất cứ nhạc cụ nào trước khi tôi được mười hai tuổi và tôi không nghĩ rằng sau này tôi sẽ sinh nhai bằng âm nhạc. Đó là câu chuyện ra sao từ dạo đó, không có bất cứ thay đổi cốt yếu nào, và đó là vì đâu khi nhìn lại đời tôi nó không có vẻ gì khác nhau hay muôn mặt, nhưng từ khởi đầu nó đã phát âm trong một nột nhạc đơn điệu và một mình trực tiếp hướng tới vì sao. Dù sự việc có tốt đẹp hay tệ hại với tôi, cuộc sống nội tâm của tôi vẫn không thay đổi.
Bởi vì những thời kỳ dài lâu tôi có thể rong buồm trực chỉ đến những đại dương xứ lạ, không đụng đến sách ký hay nhạc cụ, và tuy vậy ở mỗi khoảnh khắc ấy sẽ là một nhịp điệu hài hoà trong huyết quản và trên môi tôi, một thứ nhịp điệu và âm tiết trong cái lôi cuốn của hơi thở và đời sống. Tuy là khát vọng nồng cháy tôi cũng đã tìm kiếm sự giải thoát, quên lãng và buông thả trong nhiều cách, tuy tôi đã khao khát hướng về Thượng đế, tri thức và thanh bình, tôi luôn luôn tìm thấy chúng chỉ trong âm nhạc mà thôi.........."
Không Gia Đình là cuốn sách được xếp vào danh mục văn học thiếu nhi nhưng rõ ràng, với những gì Không Gia Đình đã kể thì đây là cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp.
Không Gia Đình là một chuyến phiêu lưu mà Rêmi là nhân vật chính. Em nghèo khổ, em cô độc, em không có người thân. Cuộc đời Rêmi gắn liền với gánh xiếc rong, với những thử thách mà em gặp phải trên đường đời trải rộng khắp nước Pháp tươi đẹp. Rêmi lớn lên trong đau khổ, lang thang mọi nơi, bị tù đày... nhưng dù trong hoàn cảnh nào, em vẫn đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu, giữ phẩm chất làm người - điều em đã học từ cụ Vitali trong cuộc đời lang bạt của mình.
Không Gia Đình ca ngợi giá trị của lao động, của nhân cách và tình cảm. Cuốn sách mô tả những hình ảnh, những mảnh đời bấp bênh để làm nền cho niềm tin, cho tình người ấm áp.
Không Gia Đình thực sự là một cuốn sách hay và giá trị hơn cả một giá sách dạy phương pháp làm người.
©
Không gia đình kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi cầm đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, "nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương". Em đã lao động mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy hôm liền không có chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước tòa và bị ở tù.
Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích...
Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em - Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.
Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.
Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tiểu thuyết hay đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi. Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người”.
Câu chuyện bắt đầu ở Điền Trang của ông Jones. Vào một đêm trường sau khi ông chủ Jones đã ngủ mê mệt vì say rượu, các thú vật của Nông Trại Manor tụ họp trong nhà chứa cỏ để nghe con heo già Old Major kể về một giấc mộng kỳ lạ. Khởi đầu, bằng một giọng nói rõ ràng và đầy sức mạnh, Heo già Major kể lại sự hiểu biết của mình về bản chất của cuộc đời. Theo đó, các con vật được sinh ra phải làm việc cực nhọc, chịu đựng gian khổ, không được ăn no, tới khi không còn sức lao động nữa thì bị làm thịt. Chúng bị làm nô lệ cho loài người và đây là giới sinh vật chỉ tiêu thụ mà không sản xuất. Vì vậy chỉ còn một giải pháp: phải lật đổ loài người. Mọi con vật phải đoàn kết lại vì một mục đích chung: nổi dậy.
Buổi họp bị gián đoạn một thời gian ngắn vì vài con chó chạy đi đuổi chuột, tiếp theo Heo già Major đề nghị bỏ phiếu quyết định loài chuột là đồng chí (comrades), kế tiếp mọi con vật đều tán thành một quyết định khác của Heo già Major như sau: Con người là Kẻ Thù. Các con vật vì vậy cần phải tránh xa các thói quen của con người: không xài nhà ở, giường nằm, quần áo, tiền bạc, mậu dịch, rượu. Và trên hết, Tất cả chúng ta đều là Bạn. Không con vật nào được giết một con vật khác. Mọi con vật đều bình đẳng. Heo già Major đã không thể mô tả hết giấc mộng tốt đẹp của nó cho các con vật khác nghe và nó cũng dạy cho các con vật kia hát bài ca Các thú vật của nước Anh mà nó học được trong giấc mộng. Nhờ hát đi hát lại bài ca cách mạng này, các con vật đều trở nên cuồng nhiệt.
Không lâu sau đó, Heo già Major qua đời nhưng các con vật còn sống khác đều cần phải hiểu rõ nền Triết học Súc vật chủ nghĩa (Animalism), đều phải nổi dậy chống lại ông chủ Jones. Công tác giảng dạy và tổ chức quần chúng được giao phó cho các con heo bởi vì loài heo được coi là những con vật tinh khôn, khéo léo. Trong số các con vật này, có hai con tài giỏi nhất là Heo Snowball và Heo Napoleon. Ngoài ra còn có Heo Squealer, một kẻ ăn nói xuất sắc. Ngày tháng trôi dần qua, ông chủ trại Jones càng uống nhiều rượu mạnh và càng trễ nải việc chăm sóc nông trại. Rồi vào một buổi chiều kia, khi ông Jones quên cho súc vật ăn uống sau một ngày dài, các con vật phá cửa, xông vào máng ăn và giành ăn uống. Ông Jones và các người làm công bèn dùng roi, gậy, đánh đập các con vật. Các con vật đói ăn này không thể chịu đựng hơn được nữa. Chúng bèn tấn công các kẻ đàn áp. Vừa ngạc nhiên, vừa hoảng sợ, cả chủ lẫn tớ đều bị đuổi khỏi nông trại.
Thật là bất ngờ. Cuộc nổi dậy đã thành công. Ông chủ Jones không còn nữa, Nông trại Manor từ nay thuộc về các súc vật. Niềm vui của tất cả súc vật thật là vô kể, chúng là chủ nhân và sẽ làm việc hòa thuận với nhau suốt đời...