Nguyên tác: The Adventures of Huckleberry Finn
Ernest Hemingway từng nói: “Toàn bộ văn học Mỹ hiện đại đều thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain, đó là Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”.
Sau những cuộc phiêu lưu cùng Tom Sawyer, Huck Finn được bà quả phụ Douglas đón về nuôi. Nhưng với bản tính ưa tự do, Huck không chịu nổi việc phải ăn vận sạch sẽ, học hành theo khuôn phép trưởng giả dù được sống giàu sang. Cộng thêm với việc người cha tưởng đã chết đột ngột trở về tiếp tục hành hạ, gây rắc rối cho cậu, Huck quyết định cùng Jim – một nô lệ da đen bỏ trốn – cùng xuôi dòng Mississippi, bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới.
Nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra trong chuyến phiêu lưu. Không chỉ thế, Huck còn lâm vào những tình huống nguy hiểm khi bị cuốn vào cuộc tranh chấp giữa hai dòng họ với những cuộc đọ súng chết chóc... Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Huck đã nhận ra giá trị của cuộc sống để hướng về sự tự do và hết lòng giúp đỡ người nô lệ da đen tội nghiệp. Từ một cậu bé chỉ biết phá phách, Huck đã xác định rõ ràng mục đích sống, biết phân biệt đúng sai bằng trái tim thuần hậu và thoát khỏi những định kiến méo mó được nhồi nhét qua cách giáo dục sai trái.
Các nhà phê bình văn học đã đánh giá Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn là tiểu thuyết ưu tú nhất của Mark Twain, bởi tác giả đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn phương ngữ của nhiều vùng, nhiều tầng lớp người để diễn tả những trạng huống tâm lý phức tạp, cũng như mô tả xuất sắc cảnh vật thiên nhiên. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của văn học Mỹ, và rất nhiều lần được đưa lên màn ảnh.
Tác giả:
Mark Twain (1835 - 1910) tên thật là Samuel Langhorne Clemens, sinh năm 1835 tại Florida, thuộc tiểu bang Missouri, Mỹ.
Sau khi tham gia quân đội miền Nam trong thời nội chiến Mỹ và trải qua nhiều nghề khác nhau, năm 1863, ông bắt đầu viết văn, dùng bút danh “Mark Twain”, có nghĩa là “sâu hai sải”, bắt nguồn từ kỉ niệm lái tàu trên sông Mississippi.
Mark Twain để lại một sự nghiệp đồ sộ gồm nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận châm biếm chính trị…, trong đó có Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (tiểu thuyết, 1876), Hoàng tử tí hon và chú bé nghèo khổ (tiểu thuyết, 1882), Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn (tiểu thuyết, 1885)…
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn là một đỉnh cao sáng tác của Mark Twain, kết hợp sự hài hước phong phú, khả năng tường thuật mạnh mẽ và châm biếm xã hội. Tác phẩm này đã được lọt vào danh sách những tiểu thuyết Mỹ hay nhất mọi thời đại.
Kẻ trộm sách - tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.
Chọn một đề tài tưởng như đã có quá nhiều cây bút đào xới - cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 - nhưng Markus Zusakvẫn gây bất ngờ cho người đọc. Người kể chuyện trong tác phẩm này là Thần Chết - một “gương mặt” quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu chuyện mà Thần chết kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với chính đồng loại của họ thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”. Đây là một câu chuyện với quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn. Dù vậy, nội dung chính của câu chuyện không lột tả những cảnh chiến trường đẫm máu của thế chiến II, những cảnh giết chóc man rợ… mà đây là câu chuyện về Liesel, cô bé gái mồ côi được làm con nuôi tại phố Thiên Đàng thuộc thành phố Munich. Chính tại thị trấn nhỏ nghèo nàn với vẻ ngoài bình yên của những trận đá bóng của trẻ con, những phi vụ ăn trộm nho nhỏ của đám trẻ đói khát, tình bạn tuyệt đẹp của Liesel và cậu bé Rudy đầy cá tính… đã toát lên không khí của nước Đức căng thẳng đầy những xung đột 0 một nước Đức đang trải qua một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại.
Từ cuộc sống nghèo tại phố Thiên Đàng nhỏ bé, Liesel đã phải - trực tiếp và gián tiếp - chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến, sự man rợ đến rùng mình của chế độ phát xít đối với những người Do Thái vô tội. Ngay trong số các công dân nước Đức luôn bày tỏ sự trung thành tuyệt đối với Quốc trưởng mọi lúc mọi nơi thì đó vẫn có những con người như Hans Hubermann - cha nuôi của Liesel - lén lút giấu trong nhà mình một thanh niên Do Thái trước sự truy lùng của chế độ Đức quốc xã. Và vì hành động đó, Hans và gia đình ông đã phải sống trong những tháng ngày căng thẳng, sợ hãi tột độ. Có biết bao bất hạnh ập xuống những con người vô tội ở phố Thiên Đàng, những đứa trẻ mang nhiều phẩm chất đẹp đẽ và tuyệt vời như Rudy cũng phải lãnh chịu số phận bi thương. Chứng kiến cảnh đó, chính trái tim của Thần Chết như bị giày xéo và khiến ông bật khóc. Trước những gì con người gây ra cho đồng loại, Thần Chết phải thốt lên: “Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”
Trong câu chuyện về Liesel, điều ấn tượng nhất với thần chết chính là niềm say mê sách của cô bé. Liesel ăn cắp những cuốn sách bất cứ khi nào có thể. Trong cuốn sách này còn có những tác phẩm của các nhân vật của chúng ta - những tác phẩm viết tay với hình minh họa đầy thú vị, cho thấy niềm say mê ngôn ngữ đồng thời đây là một ẩn dụ của tác giả về sức mạnh của ngôn từ. Ngôn từ có ma lực của riêng chúng: Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết. Ngôn từ trong Kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt thư thể những nốt nhạc của một bản giao hưởng.
Kẻ trộm sách được viết nên bằng một văn phong đặc biệt, lôi cuốn. Sự thành công của Kẻ trộm sách còn nằm ở tài năng khắc họa nhân vật của Zusak - ông đã thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến cho họ - tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy - vẫn sống động và đầy cá tính, vẫn khiến người đọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ, và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến tận trang sách cuối cùng. Đúng như lời khẳng định các nhà phê bình văn học, Kẻ trộm sách là một tác phẩm mà bạn sẽ khó lòng bỏ xuống nửa chừng một khi đã bước vào câu chuyện kể của vị thần chết đầy vui tính…
Cũng như các tác phẩm khác của Marc Levy, Em ở đâu? đi chung trên một con đường văn học của ông, riêng dành để ngợi ca tình yêu, tình bạn.
Em ở đâu? chia làm hai phần rõ rệt với nhân vật chính là Phillip, một chàng thanh niên toàn diện. Đẹp trai, thông minh, tài giỏi và chứa chan tình cảm, Phillip lẽ ra đã xứng đáng hưởng hạnh phúc tròn vẹn nếu không có những trớ trêu của số phận.Câu chuyện bắt đầu trên phi trường Neward, trong cuộc chia tay không hẹn trước của Phillip và Susan - một mối tình thanh mai trúc mã, đắm say nhất, thực sự nhất, mãi mãi ám ảnh cuộc đời Phillip. Không biết tự bao giờ, hai người bạn nhỏ hàng xóm lớn lên bên nhau, họ yêu nhau như lẽ tự nhiên của trời đất. Cùng chia sẻ tuổi thơ, cùng chia sẻ nụ hôn thứ nhất, rồi đam mê tình yêu đầu đời, tưởng chừng họ sinh ra để dành cho nhau.
Nhưng năm 14 tuổi, bi kịch xảy ra với Susan khi cha mẹ cô bị tai nạn xe hơi và qua đời. Phillip chia sẻ cùng cô mọi mất mát. Dù vậy, trái tim Susan đã bị tổn thương sâu nặng, và cô dành hết mơ ước đời người cho việc làm từ thiện, để xoa dịu những ai đã phải đau khổ như cô. Vừa học hết trung cấp, rất trẻ, Susan quyết định đến Hondurat - đất nước Trung Mỹ đang ngập trong thảm họa thiên nhiên. Họ xa nhau, và chỉ còn có thể yêu nhau, chia sẻ cuộc đời trên những lá thư. Susan đối mặt với cuộc sống gian khổ ở Hondurat, trở thành một nhân viên trợ cứu nhân đạo có uy tín, được yêu mến. Phillip bước vào đại học. Mỗi người một lý tưởng, họ vẫn yêu nhau, nhưng nỗi cô đơn dần xâm chiếm họ. Oái ăm hơn cho Phillip, khi Susan trở về, cô chỉ có vài giờ để gặp anh, cũng trên sân bay Neward, và rồi lại ra đi, vội vàng, không hứa hẹn. Lần sau nữa, cũng là như vậy. Họ biết rằng, sẽ là công bằng hơn, nếu họ chia sẻ nỗi cô đơn của mình với những cuộc đời khác. Nhưng điều đó thật không dễ dàng. Susan tìm hơi ấm ở nhiều người không quen biết. Phillip kết hôn với một người con gái khác, đó là Mary. Một vài lá thư nữa, rồi họ mất dấu trong đời, dù mãi ám ảnh nhau.
Phần hai xoay quanh cuộc đời của Phillip và Mary. Quen nhau, cùng đi chơi hơn một năm, như Phillip không tiến gần hơn vì vẫn gắng đợi người yêu. Nhưng rồi khi mất Mary, Phillip mới hiểu, đó là cuộc sống thực tại của mình. Không nồng nàn, cuống quýt, điên cuồng, nhưng đó là hơi thở ấm áp để mỗi sáng thức dậy không cô độc. Hôn nhân phẳng lặng, giấu phía sau là nỗi buồn của Phillip. Và nó bùng lên khi Phillip hay tin Susan đã chết, cô trao gửi con gái với một người tình xa lạ cho anh nuôi dạy. Một người đau khổ, một người tức giận, những đứa trẻ bị tổn thương, gia đình Phillip đứng trước mối đe doạ tan vỡ. Chỉ có tình thương yêu của họ, mối động tâm xa xót trước những tâm hồn bé dại, những số phận tội nghiệp mới khiến họ vượt lên được mất mát, giúp nhau vững bước. Hơn thế, niềm hạnh phúc trọn vẹn sau gần 20 năm chung sống mới thực sự hạ cánh trên mái nhà của Mary và Phillip.
Câu chuyện ngợi ca tình yêu, tình bạn, tình cha con, mẹ con, và bao trùm tất cả là tình người. Một điều tuyệt đẹp nữa, chính là tất cả tình cảm đó đều được chan hòa vào một lý tưởng sống, một bản lĩnh sống hết sức nồng nhiệt của tuổi trẻ.
Kiếp sau được tạp chí Paris Match ngợi ca là một Romeo và Juliet của hôm nay. Chàng Romeo hiện đại có tên Jonathan – một nhà phê bình hội họa danh tiếng, người say mê những tác phẩm của Vladimir Radskin như một định mệnh, và Juliet là Clara – chủ phòng tranh tại London, người được thừa kế biệt thự nơi Radskin đã sống và sáng tác cuối đời. Hai con người, hai miền đất, hai số phận đã được kết nối bằng bức tranh huyền thoại Thiếu nữ áo đỏ của Radskin. Trên hành trình đi tìm giá trị thực cho bức tranh, cả hai đã dần khám phá ra những bí ẩn về thân phận của mỗi người, về một tình yêu mãnh liệt và trắc trở từ nhiều kiếp trước. Câu chuyện kết thúc, lãng mạn và đau đớn như mối tình của Romeo và Juliet năm xưa, Jonathan đã chọn cái chết để được ở gần Clara, và để nuôi dưỡng một tình yêu bất tử, điều sẽ khiến họ thuộc về nhau mãi mãi ở kiếp sau.
Một cốt truyện hấp dẫn có sự hòa trộn của nhiều yếu tố: tâm linh, trinh thám, lãng mạn. Một lối viết không dụng đến những ẩn dụ khó hiểu. Một môtip đậm chất cổ tích. Có lẽ, những yếu tố ấy đã làm nên sự thành công cho Kiếp sau. Người ta khó có thể tìm thấy ở đây sự cách tân độc đáo nào về mặt nghệ thuật, thay vào đó, cảm xúc mãnh liệt là điểm mạnh trong sáng tác của Marc Levy nói chung, Kiếp sau nói riêng. Văn học ngày nay đang dần xa những mối tình kiểu Romeo – Juliet (Romeo và Juliet) hay Heathcliff – Catherine Earnshaw (Đồi gió hú), điều đó khiến người đọc cũng dần quên những mơ mộng về một tình yêu bất tử. Marc Levy, bằng sự mẫn cảm đặc biệt, đã biến những mơ mộng bị lãng quên ấy thành hiện thực trong cuốn tiểu thuyết của mình. Hơn cả sự say đắm thường thấy, tình yêu của Jonathan và Clara như một sự sắp đặt của vận mệnh, họ là của nhau, họ thuộc về nhau, họ sinh ra cho nhau, chết vì nhau, và tái sinh vĩnh viễn để tìm nhau. Điều đó giản dị và thiêng liêng như hơi thở, như sự sống.
Để khẳng định sức mạnh tình yêu giữa Jonathan và Clara, Marc Levy đã đặt hai nhân vật ở giới hạn cuối cùng của đời người: cái chết. Và một lần nữa, ông khiến độc giả ngỡ ngàng xúc động vì sự bất lực của cái chết trước mối tình bất tử: “Em có tin rằng người ta yêu nhau tới mức cái chết cũng không xóa được ký ức không? Em có tin rằng tình cảm sẽ tồn tại vĩnh cửu và mang lại sự sống cho con người không? Em có tin rằng thời gian có thể mãi mãi tái hợp những người yêu nhau mãnh liệt đến độ không bao giờ mất nhau? Em có tin điều đó không, Clara?”. Hai nhân vật của Marc Levy đã sống hết mình cho niềm tin ấy từ kiếp này qua kiếp khác, họ giúp độc giả nhận ra rằng: mạnh hơn cả lòng hận thù, mạnh hơn cả cái chết, nguồn năng lượng hồi sinh những linh hồn, đó là tình yêu mãnh liệt.
Với Kiếp sau, ta được gặp lại một Marc Levy trầm tĩnh, lịch lãm và hào hoa, nhà văn đã khiến nhiều độc giả Việt Nam rung động qua tiểu thuyết được xuất bản cách đây không lâu Nếu em không phải giấc mơ. Đọc Kiếp sau, nhiều người hiểu rằng tại sao Marc Levy lại có sức hút mãnh liệt đến vậy tại Pháp cũng như trên toàn thế giới, và Nếu em không phải giấc mơ cũng như Kiếp sau chỉ là bước khởi đầu ấn tượng cho sự xuất hiện của Marc Levy tại Việt Nam.
Đến với Những đứa con của tự do , mục đích phá cách của Marc Levy thể hiện rõ nét để không đi vào lối mòn của các tác phẩm trước như Nếu em không phải là giấc mơ , Gặp lại , Em ở đâu... Không còn sự huyền bí vô hình, không đem đến những mộng ảo xa xôi, tác phẩm thể hiện độ gai góc, phản ảnh hiện thực trần trụi với tiết tấu nhanh, đòi hỏi độc giả đôi lúc phải biết chấp nhận sự phũ phàng, mất mát.
Những đứa con của tự do được kể lại dựa trên câu chuyện có thật ở Pháp tôn vinh những người con dũng cảm, kiên gan đã chiến đấu không mệt mỏi cho tự do, khi mà mỹ từ ấy trở nên xa xỉ trong thời đại hỗn loạn của đại chiến thế giới. Đặc biệt, những người anh hùng ấy tuổi đời con rất non nớt mà có tư tưởng và con tim vĩ đại.
Những người con ngoại quốc đến từ nhiều quốc gia Ba Lan, Rumani, Hungari, Italia, Tây Ban Nha… lại yêu tha thiết mảnh đất đã dung nạp mình, để rồi họ cống hiến tuổi trẻ và tinh thần của mình cho quốc gia Pháp, nơi họ vĩnh viễn thuộc về, nơi mà họ tin là mùa xuân sẽ trở lại…vào một ngày nào đó…
Cha ruột của Marc Levy là một nhân chứng sống động trong thời đại hỗn loạn, nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đoạt không còn một chút quyền lợi nào. Và ông, một chiến sỹ cách mạng nhiều trọng trách là nhân vật chính trong câu chuyện, mang biệt hiệu Jeannot. Jeannot và cả một thế hệ trẻ chủ yếu là dân ngoại quốc đã từng sống trên đất Pháp đã tập hợp lại thành lữ đoàn 35 mang tên Marcel Langer. Ở đó họ "chưa bao giờ thừa nhận thân phận mà người ta muốn áp đặt cho mình, chưa bao giờ chấp nhận cho người ta xâm phạm đến phẩm giá con người".
Lý tưởng chiến đấu cho tự do đã gắn kết những con người ấy lại với nhau. Họ mang trong mình niềm tin mãnh liệt, lòng dũng cảm đôi lúc vượt lên tất cả mọi trở ngại để chiến đấu. Và đó cũng là cảm hứng xuyên suốt toàn bộ câu chuyện.
Lữ đoàn 35 phối hợp với quân đội địa phương chiến đấu chống lại lực lượng chiếm đóng. Họ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng tựu chung cho mục tiêu gây tổn thất, làm suy giảm lực lượng địch, tạo thời cơ cho quân đồng minh đánh trả và giành lại nền độc lập tự do cho tổ quốc.
Tuy nhiên, lý tưởng đâu phải là một thứ gần gũi, dễ nắm bắt mà đôi khi phải trả bằng xương máu của biết bao chiến sỹ, bằng nỗi sợ hãi luôn thường trực bất cứ nơi nào họ đặt chân đến, vào bất cứ lúc nào, "nỗi sợ cứ tồn tại trong mỗi ngày của bạn, trong mỗi đêm của bạn", rồi trong một giây phút kiệt sức chợt đến, họ chợt băn khoăn "liệu chỗ tận cùng có thực sự tồn tại hay không, liệu một ngày nào đó chúng ta có tỉnh khỏi cơn ác mộng mà chúng ta sống đã nhiều tháng trời hay không.
Mình sợ, buổi sáng thức dậy, mình sợ; ở mỗi ngã ba, mình sợ họ theo mình, sợ họ bắn mình, sợ họ bắt giữ mình, sợ có những Marius và Rosine khác không trở về sau khi hành động, sợ Jeannot, Jacques và Claude bị xử bắn, sợ có điều gì xảy ra với Damira, với Osna, với Jan, vớit tất cả các cậu, những người là gia đình của mình.
Lúc nào mình cũng sợ, ngay cả khi đang ngủ. Nhưng không nhiều hơn hôm qua hay hôm kia, không nhiều hơn kể từ ngày đầu tiên mình gia nhập đội, không nhiều hơn kể từ ngày họ tước đoạt của chúng ta quyền tự do.”
Và "tiếp tục sống, tiếp tục hành động, tiếp tục tin rằng mùa xuân sẽ trở lại, điều đó đòi hỏi rất nhiều dũng cảm", nhưng vượt qua những khoảnh khắc yếu ớt ấy, các chiến sỹ tuổi 20 kiên quyết "sẽ tiếp tục sống với nỗi sợ ấy, cho đến chỗ "tận cùng", dù "chẳng biết nó ở nơi nào"…
Sống với nỗi sợ hãi và phải tuân thủ những điều lệ nghiêm ngặt của quân đội, những người trẻ tuổi phải chiến đấu với cái bụng rỗng, với giấc mơ về món bánh mì kẹp "tầm thường" mà lại vô cùng xa xôi. Thế nhưng với tình yêu, họ đã vượt lên tất cả. Tình yêu ấy thiêng liêng đẹp đẽ một cách diệu kỳ. Không những là tình yêu nước, tình cảm gia đình, tình yêu nhân loại mà mãnh liệt và da diết nhất, đó là tình yêu đôi lứa, thứ tình cảm bị cấm đối trong quân đội.
Ngập tràn trong tình yêu, những chiến sỹ quyết đoán, sắt đá nhất cũng trở nên dịu dàng, đáng yêu. Họ mộng mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, nơi họ có thể vĩnh viễn thuộc về nhau, nơi mà con người tự do tồn tại, nơi mà họ đã không phí mạng khi giành giật nó từ tay bọn phát xít.
Tình yêu đẹp biết mấy, họ muốn được yêu biết mấy. Một gia đình hạnh phúc, với người chồng, người vợ và những đứa con thơ sống trong thời bình là cả một thế giới tươi đẹp trong tâm hồn các chiến sỹ. Hình ảnh ấy vẫn còn lưu luyến, dù đến lúc họ buộc phải rời khỏi thế gian và đi về một thế giới khác.
Sợ hãi, đớn đau, khốn cùng. Nhưng dù là nơi tận cùng của thế giới, nơi không gian tối tăm và chật hẹp, lãnh thổ chỉ có bệnh tật là chúa tể ngự trị thì niềm tin mãnh liệt của những người con ấy vẫn lớn lao, không suy suyễn. Trong nhà ngục tối tăm, họ vẫn hát vang bài ca Cồn đất Đỏ, đôi lúc pha chuyện cho cuộc đời thêm tươi vui. Chất hài hước trong gian lao đôi lúc làm tăng sinh lực sống cho những cơ thể tiều tụy, tàn tạ…
Những người con của tự do là một sự tôn vinh đẹp đẽ dành cho người nước ngoài nương náu trên đất Pháp và đã chiến đấu cho mảnh đất ấy. Và lữ đoàn 35, dù "Bị truy đuổi, chịu khốn khổ, thoát khỏi lãng quên, họ là biểu tượng của tình anh em được đào luyện trong cảnh đau khổ sinh ra từ sự chia rẽ, và cũng là biểu tượng cho sự dấn thân của những người phụ nữ, những trẻ em và những người đàn ông đã góp phần khiến đất nước chúng ta, đất nước đã bị nộp cho bọn quốc xã làm con tin, từ từ ra khỏi sự thinh lặng để cuối cùng phục sinh"…(Diễn văn của Charles Hermu, bộ trưởng bộ Quốc phòng Pháp).
Đến với Những đứa con của tự do, mục đích phá cách của tác giả thể hiện rõ nét để không đi vào lối mòn của các tác phẩm trước. Không còn sự huyền bí vô hình, không đem đến cho con người những mộng ảo xa xôi, tác phẩm thể hiện độ gai góc, phản ảnh hiện thực trần trụi với tiết tấu nhanh, làm độc giả đôi lúc phải biết chấp nhận sự phũ phàng, mất mát.
Thế nhưng, nếu bạn đã từng đọc những thiên "diễm tình" của Marc Levy như Nếu em không phải một giấc mơ, Kiếp sau, Bảy ngày cho mãi mãi, Em ở đâu?... hẳn sẽ nhận ngay phong cách "lãng mạn pha chút hài hước" đặc trưng Marc Levy, trong đó nổi lên là tình yêu.
Vì thế, khó có thể khẳng định ngay rằng đây là một thành công mới mẻ, một Marc Levy mới mẻ, thế nhưng với những ai đã bắt đầu "bội thực" với motif "yêu yêu, thơ thơ, lãng mạn, ngọt ngào, mơ mộng" quen thuộc của tác giả best-seller người Pháp này, thì đây là cách để họ khám phá một thử nghiệm mới và chờ xem Marc Levy sẽ có những sáng tạo tiếp theo nào để tên tuổi ông không bị nguội đi trong lòng người mến mộ.
Nguyên Ngọc
- “Một tiểu thuyết cảm động, đôi khi hài hước, những đứa con của tự do được viết một cách giản dị đơn giản, nhưng không phải theo lối ngây thơ, bởi những đứa trẻ này, do sớm bị đẩy vào thế giới thực đáng sợ của người lớn, đã mất đi chất ngây thơ của mình. Tiểu thuyết đã miêu tả rất thực tâm lý của những anh hùng trẻ tuổi, lòng dũng cảm và bản năng sống đã giúp họ đứng vững” – Le Monde
- “Ở đây, chúng ta không nhận ra nhà tiểu thuyết quyến rũ và nhẹ nhàng của Nếu em không phải một giấc mơ hay của Bạn tôi tình tôi. Có thể các nữ độc giả trẻ sẽ lạc lối vì đột nhiên phải đắm chìm trong nỗi khiếp sợ. Một sự táo bạo đáng khen khi dẫn dắt độc giả đến với điều mà họ không hề mong đợi” – Le Journal du Mimanche
- “Một sự tôn vinh đẹp đẽ dành cho những người nước ngoài nương náu trên đất pháp và đã chiến đấu cho mảnh đất ấy” – RTL.
Giải thưởng: Boston Globe-Horn Book
Cho dù một ai đã từng đọc những lời giới thiệu ngắn gọn xung quanh cuốn sách, không đọc cũng không thể nào cảm nhận hết sự kỳ lạ của nó. Người truyền ký ức tuyệt vời ở trí tưởng tưởng và những thông điệp mang theo.
Một Cộng đồng không được xác định rõ về không gian và thời gian tồn tại, chỉ biết những thành phần của nó có hình hài giống như con người, và một vài cấu trúc cũng giống như con người. Đứng đầu cộng đồng có một Hội đồng quyết định tất thảy mọi việc, dĩ nhiên, vẫn còn một thế lực cao siêu nào đó hơn nữa, chỉ huy về tổng thể. Mỗi cá nhân sinh ra không bởi cha mẹ họ, mà bởi những Mẹ đẻ, những người phụ nữ được nhận Nhiệm vụ sinh nở ra bé mới cho cộng đồng.
Khi sinh ra, bé mới sẽ được Hội đồng giao cho một cặp bố mẹ nuôi. Mỗi nấc tuổi là một lớp người của cộng đồng khác biệt nhau về chức năng, vị trí. Lên Bảy, mỗi đứa trẻ sẽ được giao một chiếc xe đạp, chứng tỏ một nấc trưởng thành. Và khi lên Mười Hai, chúng sẽ được nhận một Nhiệm vụ riêng (tức là một công việc để duy trì cộng đồng). Rồi lớn hơn nữa, chúng sẽ được tách nhà, kết hợp với một người khác giới để tạo nên một nhà mới, nhận hai đứa bé, một trai, một gái về làm con. Trong cộng đồng đó, tất cả mọi thứ đều phải công khai cho dù là một giấc mơ, và tất cả đều nằm trong giới luật cho dù là việc phải ăn hết một bữa điểm tâm. Không có đau khổ nào, tất cả bằng lặng trôi theo một nguyên tắc bất biến. Kể cả sự phóng thích ai đó ra khỏi cộng đồng, đến Nơi Khác vĩnh viễn.
Jonas, cậu bé nhân vật chính của Người truyền ký ức, đang bước vào thời khắc quan trọng nhất, lễ nhận Nhiệm vụ khi tròn Mười Hai. Nhưng trước ngày đó, trên cái nền êm ả của đời sống cộng đồng đó, một vài biến chuyển đến với Jonas. Trước hết là một điều bình thường ở cộng đồng, cậu mơ thấy mình muốn tắm cho Fiona lõa thể trong bồn nước mà không được. Cậu đã có một trải nghiệm, và đã phải uống thuốc - loại thuốc triệt cảm xúc - để giấc mơ chỉ đến một lần. Sau đó, khi tung quả táo, Jonas nhìn thấy một cái gì vượt ra ngoài biên giới. Câu chuyện thực sự bắt đầu khi Jonas không nhận được Nhiệm vụ nào vào ngày lễ đó, bởi vì cậu đã được lựa chọn trở thành người tiếp nhận Ký ức.
Jonas đã đến học ký ức từ một ông già, người đã tiếp nhận ký ức từ những người tiền nhiệm. Ký ức là gì? Đó là tất cả những cảm nhận, những hình ảnh, những trải nghiệm về cuộc sống mà con người chúng ta ngày nay đang thấy: hạnh phúc êm ru của thiên nhiên lãng mạn, niềm vui trong gia đình,… nhưng những thứ đó lại quá ít so với nỗi đau chiến tranh, đói nghèo, mất mát, chia lìa. Jonas bàng hoàng đau khổ, nhưng vẫn dũng cảm tiếp nhận để gánh vác bớt những cơn dày vò đang hành hạ người thầy của mình. Cậu không dám được phép xin phóng thích, nếu không sẽ như cô gái từng không hoàn thành nhiệm vụ trước cậu, trả lại những cảm xúc về cộng đồng, khiến tất cả thành viên chao đảo, hoang mang. Thế rồi, dù sao cậu cũng phải có một quyết định, khi bé mới - người khách của gia đình cậu bị Hội đồng quyết định phóng thích do hay khóc về đêm. Và Jonas đã chọn một hướng riêng trước sứ mạng cộng đồng giao phó.
Một nữ nhà văn, chao ôi, Emily ao ước trở thành nhà văn hơn bất cứ điều gì khác trên đời. Tiếp tục học lên cao ở thị trấn Shrewsbury chính là con đường thuận lợi hơn cả để tiến gần hơn tới mục tiêu ấy. Nhưng đến Shrewsbury đồng nghĩa với việc phải rời xa trang trại Trăng Non yêu dấu, phải sống cùng bác Ruth không bao giờ biết cười, và đáng sợ hơn tất thảy, phải ngừng sáng tác truyện trong ba năm. Liệu Shrewsbury có phải là nơi thích hợp để Emily khởi nghiệp, nơi cô tìm thấy “ánh cầu vồng hạnh phúc”, nơi vẻ đẹp đặc biệt của cô chạm đến trái tim của một chàng trai trẻ?
Emily trên dải cầu vồng mang đặc trưng của những tác phẩm đã trở thành kinh điển của L. M. Montgomery: Lời văn tuyệt đẹp, hình ảnh nên thơ, nhân vật khác thường, truyện bên lề đáng yêu cùng một chút sắc màu tình yêu trong sáng. Nhưng chính khát vọng được viết văn cháy bỏng của Emily cùng lối khắc họa hiện thực không chút lảng tránh đã khiến bộ ba tiểu thuyết về Emily Byrd Starr trở nên khác biệt, một vẻ đẹp sáng rỡ ngay cả trong những giờ khắc u buồn nhất.
Thật khó có thể hình dung nổi khi khuôn viên nghĩa trang yên ắng lại chính là nơi khởi đầu hạnh phúc cho một cặp đôi đến từ hai thế giới hoàn toàn đối lập.
Désirée, một thủ thư góa bụa 35 tuổi, không con cái.
Benny, chàng nông dân chính hiệu, sống một mình trong trang trại nuôi 24 con bò sữa.
Hai người tình cờ gặp nhau ở nghĩa trang, và chỉ bằng một ánh mắt, một nụ cười, họ đã trúng tiếng sét ái tình của nhau. “Nó không hẳn là một cú hích. Nó giống như khi tôi chạm vào hàng rào điện nhưng không bị toi mạng thì đúng hơn”. Benny đã nói như thế.
Hai người trở thành một cặp đôi khác biệt hoàn toàn về mọi thứ, từ suy nghĩ cho đến lối sống. Benny với đàn bò. Désirée và sách vở. Đối với cô, một con bò cái bằng xương bằng thịt trở nên cực kỳ hư cấu. Còn Benny luôn cho rằng đọc sách chỉ tổ mất thời gian. Nàng mê mẩn các vở opera, còn chàng vào rạp chỉ muốn ngủ. Chàng nhìn thấy giấy tờ là sợ, còn nàng lại thích viết lách, làm thơ. Thế nhưng, như hai điện cực trái dấu, cả hai vẫn lao vào nhau bất chấp tất cả. Dẫu yêu nhau là vậy nhưng họ gần như không thể thỏa hiệp để trở nên đồng điệu. Cuối cùng họ chia tay nhau. Cả hai cùng rơi vào trầm cảm.
Désirée nhận ra mình khao khát có một đứa con bằng mọi giá. Cô chủ động nhờ Benny giúp. Benny không đồng ý để Désirée toàn quyền nuôi dạy đứa con của… tương lai. “Em sẽ biến con anh thành một tay tiến sĩ chuyên nghiên cứu những ngôn ngữ đã chết!”
Rốt cuộc, Désirée quyết định về nông trại Rowan ở với chàng độc thân Benny. Cuộc sống của hai người bắt đầu lộn tùng phèo. Với những…ba đứa con sòn sòn liên tiếp, tình yêu của Désirée và Benny giờ đây là những cuộc chiến cười ra nước mắt giữa lũ trẻ và trang trại.
Cuộc sống gia đình giống như thời tiết phập phù: có những ngày trời nắng ráo, lại có những ngày dông tố bão bùng; có thời gian gió lạnh tràn về và cũng có những lúc sương mù dày đặc che phủ… Nhưng… cuối cùng cả hai lại tìm thấy nhau dưới một cơn mưa rào nặng hạt, và họ không bao giờ muốn đánh đổi những khoảnh khắc lặng lẽ ngồi bên nhau uống trà, xem ti vi sau một ngày làm việc mệt nhọc để lấy lại những tháng ngày cô độc trước kia.
“Chuyện tình kiểu Thụy Điển giữa cô nàng thủ thư Désirée và anh chàng nông dân Benny giống như một bộ đôi tiểu thuyết li kỳ. Cuộc sống thường nhật của hai con người yêu nhau đầy rẫy trớ trêu khiến chúng ta phải mỉm cười, nhưng cũng khiến chúng ta tự nguyện sải bước vào hôn nhân…”
Thông tin tác giả:
Katarina Mazetti sinh năm 1944 ở Stockholm, là nhà báo, nhà văn người Thụy Điển. Các sáng tác của bà đa dạng ở thể loại và được đông đảo tầng lớp bạn đọc ở mọi lứa tuổi yêu thích. Bộ đôi tiểu thuyết Anh chàng mộ bên và Cô nàng mộ bên là những tác phẩm đầu tiên viết cho người lớn, dựa trên kinh nghiệm của bản thân tác giả, một người vợ nông dân sống trong trang trại nhỏ.
Thành công vượt bậc của Anh chàng mộ bên khiến chính bà phải bất ngờ, nhưng không khó lý giải, vì tác phẩm này bật lên như một nốt nhạc trong sáng giữa bản hòa tấu u tối và chết chóc của hàng loạt tiểu thuyết trinh thám Thụy Điển.
Nguyên tác: A Kingdom of Dreams
Jennifer là con gái lãnh chúa Merrick, thuộc Scotland. Nàng thông minh, dũng cảm khá ương bướng.
Nàng mất quyền thừa kế gia tộc Merrick khi cha nàng cưới vợ kế và ban quyền kế vị cho con trai riêng của vợ. Vì ương bướng, Jennifer đã bị cha gửi đến tu viện để được dạy bảo và để nàng “biết điều hơn”.
Royce, một chiến binh bất khả chiến bại của Vua James nước Anh. Chàng được mệnh danh là Sói Đen. Danh tiếng của chàng lừng lẫy khắp bốn phương và khiến bất kỳ kẻ thù nào cũng run rẩy khi đối diện. Chàng được lệnh tấn công lâu đài Merrick.
Trên đường tới tấn công Merrick, em trai Royce đã bắt cóc Jennifer cùng em gái nàng, hòng khiến Lãnh chúa Merrick đầu hàng vô điều kiện. Bị bắt cóc, Jennifer đối mặt với Royce đầy hiên ngang mặc dù đã biết về tiếng tăng lừng lẫy của chàng. Nàng lên kế hoạch đưa em cùng trốn khỏi trại lính của Royce hòng mong cha không phải vì chị em nàng mà đầu hàng. Dù kế hoạch của nàng khá thông minh nhưng rồi vẫn bị Royce tóm gọn. Jennifer những tưởng Royce sẽ giết chết chị em nàng hay có những đòn trừng phạt ghê rợn mà nàng đã được nghe đồn nhưng chàng đã không làm vậy. Gần chàng Jennifer mới hiểu những lời đồn đại về Sói Đen không hoàn toàn đúng.
Về phía Royce, chưa có bất kỳ ai dám ngang nhiên chống đối chàng như Jenny. Chàng ngạc nhiên, tò mò và cuối cùng bị nàng thu hút. Nàng kể cho chàng nghe về giấc mơ của nàng, giấc mơ về một vương quốc do nàng trị vì. Ở đó nàng cống hiến tài năng của mình, ở đó nàng được ghi nhận và yêu thương.
Royce sau bao yêu thương cùng căm hận vì hiểu nhầm Jenny, đã dựng xây cho nàng một Vương quốc trong mơ như thế.
"Khoảng Trống" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên dành cho người lớn của J.K. Rowling – nhà văn nổi tiếng với bộ truyện Harry Potter. "Khoảng Trống" đề cập đến các vấn đề xã hội, u tối và chua cay. Ngôn ngữ trong cuốn tiểu thuyết này có phần táo bạo, suồng sã, khác xa phong cách đã sử dụng trong những cuộc phiêu lưu của cậu bé phù thủy nhỏ.
Sách dành cho người lớn, với những trang viết nhuốm màu u tối, các tệ nạn xã hội như bạo lực, ma túy, cưỡng hiếp…được phơi bày trần trụi và tàn khốc. Rowling từng chia sẻ, tỷ lệ tử vong và đạo đức là hai điều ám ảnh bà khi viết cuốn sách. The Casual Vacancy sẽ được BBC đưa lên màn ảnh nhỏ trong năm nay.
Sau bộ Harry Potter lừng danh, The Casual Vacancy vẫn thể hiện bút lực mạnh mẽ và hấp dẫn của Rowling: những trang viết đầy kịch tính, vẻ hài hước ẩn sau các tình tiết tưởng như nhuốm màu bi thảm, cách mô tả và phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc, độc đáo, những triết lý đơn giản nhưng buộc người đọc phải suy ngẫm…
Sói thảo nguyên là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Hermann Hesse - một nhà văn, nhà thơ và hoạ sĩ người Đức, đã từng đoạt giải Nobel văn học năm 1946.
Sa chân lạc bước giữa hai thời đại, mang bản chất của sói hoang dã nguyên thủy và con người trí tuệ luôn xung đột cực độ trong dòng máu – Harry Haller thuộc những kẻ vướng nghiệp phải trải nghiệm mọi vấn nạn đời người bằng nỗi thống khổ của riêng mình ở địa ngục trần gian... Cuộc khủng hoảng tâm thần ấy không của cá biệt một người, mà là căn bệnh thời đại, là chứng loạn thần kinh của cả thế hệ trong đó có Haller, và dường như không chỉ những cá nhân yếu đuối, thấp kém mới mắc phải, mà chính ở những con người giàu thể lực, trí lực nhất, tài ba nhất…
Đặc biệt mang màu sắc tự truyện và là tác phẩm nổi tiếng nhất của Hermann Hesse, Sói Thảo Nguyên (1927) hòa quyện tuyệt vời tư tưởng Á Đông huyền bí siêu linh với nền văn minh châu Âu. Trong khi khắc họa sâu sắc và xúc động hành trình của một tâm hồn đi đến giải thoát, Sói Thảo Nguyên đồng thời là bức tranh thấm đẫm hương vị tình yêu hoan lạc, thể hiện đầy ám ảnh cuộc xung đột tinh thần diễn ra giữa bản chất sói và người trong một tài năng xuất chúng bị mắc kẹt giữa hai thời đại đang nung nấu chiến tranh.
Không kém Ulysses [James Joyce] và Bọn làm bạc giả [André Gide] về thử nghiệm viết táo bạo, Sói Thảo Nguyên cũng là cuốn tiểu thuyết đầy thách thức, gây xáo trộn tâm trí, là phần thưởng quý giá cho những độc giả đang nỗ lực tiếp cận một nước Đức tri thức thời cận đại.
Thông tin tác giả:
Hermann Hesse sinh ngày 2.7.1877 ở Calw vùng Wũrttemberg (Đức) và mất ngày 9.8.1962 ở Montagnola (Thụy Sĩ). Cha của ông đã sống ba năm ở Ấn Độ với tư cách là nhà truyền giáo, mẹ ông là con gái của nhà truyền giáo, nhà Ấn Độ học, tiến sĩ Hermann Gundert- một người có học vấn uyên thâm về Ấn Độ và có riêng một thư viện lớn.Năm 1890, Hermann Hesse học Trường Latinh. 1891, ông học thần học. Ông bỏ học do thấy mình không thích hợp với nghề làm giáo sĩ, rồi 1892 ông học nghề buôn bán sách. 1899-1904, ông sống ở Bael (Thụy Sĩ) và mở hiệu sách cũ. Từ 1904, ông sống ở Gaienhofen bên bờ hồ đẹp như mộng là Bodensee (bên này hồ thì thuộc về Đức, bên kia hồ thuộc Thụy Sĩ) và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Cũng năm 1904 ông xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm Peter Camenzind. Đây là một tiểu thuyết giáo dục (Bildungsroman) rất hấp dẫn bạn đọc đương thời. 1911, ngán cảnh náo nhiệt của thời cuộc nên năm 1912, Hermann Hesse sang Thụy Sĩ và nhập quốc tịch nước này.
“Không, chắc rằng bạn Côrretti của con, cũng như Garônê, không bao giờ lại trả lời bố mình như con đã trả lời bố tối hôm qua. Enricô ạ. Sao lại có thể thế được nhỉ? Con phải hứa với mẹ rằng từ nay trở đi sẽ không thể xảy ra việc như vậy nữa.
Mỗi lần mà bố con mắng và con sắp sửa càu nhàu một lời không tốt, thì con hãy nghĩ đến cái ngày, mà ngày ấy chắc chắn sẽ đến không tránh được, cái ngày mà nằm trên giường bệnh sắp chết, bố cho gọi con lại mà nói: “Enricô, bố vĩnh biệt con”.
Ôi, con yêu của mẹ, khi con nghe giọng nói của bố lần cuối cùng, và cả rất lâu về sau nữa, con sẽ tự hỏi làm sao mà mình có thể thiếu lễ độ với bố được! Lúc đó con sẽ hiểu rằng bố bao giờ cũng là người bạn tốt nhất của con; rằng khi bắt buộc phải phạt con thì chính bố lại đau khổ hơn con, và không bao giờ bố làm cho con phải khóc mà không phải để chữa những thói xấu của con. Đến lúc đó, con sẽ khóc, con sẽ hối hận!
Ôi, con yêu của mẹ, khi con nghe giọng nói của bố lần cuối cùng, và cả rất lâu về sau nữa, con sẽ tự hỏi làm sao mà mình có thể thiếu lễ độ với bố được! Lúc đó con sẽ hiểu rằng bố bao giờ cũng là người bạn tốt nhất của con; rằng khi bắt buộc phải phạt con thì chính bố lại đau khổ hơn con, và không bao giờ bố làm cho con phải khóc mà không phải để chữa những thói xấu của con. Đến lúc đó, con sẽ khóc, con sẽ hối hận!
Con thử nghĩ đối với bố nỗi đau đớn sẽ như thế nào khi đáng lẽ gặp ở con tình thương yêu, thì chỉ thấy vẻ lạnh nhạt và sự bất kính! Con đừng bao giờ phạm lại cái tội vô ơn bạc nghĩa khủng khiếp ấy nữa. Hãy nhớ rằng, ở đời này chẳng có gì bất diệt, và có thể sang năm, hay tháng sau, hay biết đâu ngày mai… con sẽ mất bố, trong khi con còn bé dại…
Ôi! Enricô đáng thương của mẹ, bây giờ con sẽ thấy bao nhiêu biến đổi xảy ra chung quanh con! Cái nhà này sẽ trống trải như thế nào với mẹ tội nghiệp của con mặc toàn màu đen. Đi đi, con ạ, đi gặp ngay bố đang ở trong phòng làm việc; con hãy bước vào, nhẹ nhàng trên đầu ngón chân, áp trán con vào đầu gối bố và xin bố tha lỗi cho con.
Mẹ của con.”
Trích "Những Tấm Lòng Cao Cả”
Chúng ta biết gì về con em mình trong một ngày, một tuần, thậm chí một năm khi chúng ở trường học, giữa thầy cô và bè bạn? Đọc "Những Tấm Lòng Cao Cả”, chúng ta sẽ hiểu thêm về tâm sức của "những người chở đò", hiểu thêm sự cần thiết và quan trọng của mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội để giáo dục con em mình trở thành một công dân tốt. Giáo dục phải tiến hành có nghệ thuật, và nghệ thuật văn chương là công cụ giáo dục tốt. Và sự thành công của E.D Amicis là ở đó...
Sau lưng họ là tiếng mưa chạm xuống biển khơi. Là cây cầu cổ xưa đã tiêu tan cùng phong hoa thời đại cũ. Là cả những người đàn ông không nên yêu nhưng đã án ngữ ở một chỗ vĩnh hằng trong tâm hồn họ.
Họ đẩy lại hết, băng mình vào những chuyến đi xa. Mỗi điểm đến mới là một cánh cửa dẫn họ lại gần với nội tâm, với sự nhận biết bản thân, với nguồn cội khai sinh… Đi và soi lại mình trong thế giới, cũng soi cả thế giới bằng tâm hồn mình.
Những chuyến di chuyển vật chất của họ, bởi vậy cũng chính là cuộc du hành của tâm tưởng.
Những năm gần đây An Ni Bảo Bối sáng tác đã thưa đi, nhưng tinh thần về viết và đi của cô vẫn quán xuyến như nhất trong từng tác phẩm. Vẫn những mối tình và trắc trở của cuộc sống thành đô. Những đàn ông đàn bà cô đơn và khao khát. Những dục vọng phải đánh đổi và trả giá. Những linh hồn vừa tỉnh táo vừa đa cảm. Cùng những bất an không nơi xoa dịu. Đi để tìm kiếm. Viết để chiêm nghiệm. Trang sách để sẻ chia, không kêu gọi, nổi loạn, nhưng vẫn thẳm sâu, nhẹ nhàng, đằm thắm…
Xuân yến. Có lẽ, sau những hành trình tìm kiếm và lãng quên, một bữa tiệc mùa xuân là cần thiết, hầu thanh tẩy những bụi bặm tổn thương.
Câu chuyện trong Bí mật của May mắn hấp dẫn như câu chuyện thần thoại với những chân lý thực tế và vĩnh hằng của cuộc sống, mang lại cho người đọc, niềm tin, hy vọng, những trải nghiệm quý báu, đồng thời lý giải tại sao một số người luôn gặp được may mắn trong khi những người khác lại không gặp. Cuốn sách đã mang đến cho độc giả một cái nhìn thú vị và sâu sắc về thay đổi những điều kiện cần thiết để tạo ra và duy trì sự may mắn trong cuộc đời chúng ta. Độc giả khắp mọi nơi đã chú tâm thưởng thức, chuyền tay cho bè bạn và mỗi người đều mua nhiều bản để tặng cho gia đình, người thân, đồng nghiệp như những món quà đặc biệt của sự may mắn.
Good Luck là một câu chuyện lạ thường hướng đến một bài học vô cùng giá trị về cuộc sống: Sự may mắn không xuất hiện ngẫu nhiên trong hành trình cuộc sống chúng ta; chính chúng ta phải tìm và tạo ra những điều kiện để may mắn tìm đên với mình. Dưới ngòi bút của Alex Rovira và Fernando Trías de Bes - hai nhà tư vấn tâm lý và tiếp thị hàng đầu thế giới đã có công trình nghiêm cứu về thái độ, hành vi con người cũng như ước mong, niềm tin của họ đối với sự may mắn, thành công trong cuộc sống, câu chuyện giản dị này có thể được áp dụng rất rộng rãi cho tất cả mọi người và có khả năng khích lệ một cách độc đáo.
Bí Mật của May Mắn kể về một câu chuyện đầy cảm động giữa hai ông già, Max và Jim, khi họ tình cờ gặp nhau ở công viên trong tâm sau 50 năm xa cách. Trong khi Max đạt được những thành công và hạnh phúc tràn đầy trong cuộc đời từ sự khởi đầu vô cùng khó khăn, từ hai bàn tay trắng, thì Jim lại không thể làm được điều đó, lúc khởi đầu ông đã được cuộc sống ưu đãi rất nhiều.
Bí quyết thành công và may mắn của Max nằm ở câu chuyện kỳ diệu mà người ông đã kể lại cho Max từ nhiều năm trước. Câu chuyện đó thật kỳ bí và có sắc thái gợi nhớ đến những nhà giả kim, hiền triết xa xưa, chỉ ra bí mật, cách nắm bắt các cơ hội và gặt hái may mắn, thành công. Trong đoạn kết đầy bất ngờ, Good Luck tạo ra một chu trình khép kín, mang lại sự khích lệ, những hướng dẫn cách thực hiện và thật trọn vẹn với một câu chuyện đầy cuốn hút. Đây thực sự là một món quà đặc biệt, thú vị và đầy cảm hứng mà Alex Rovira và Fernando Trías de Bes đã mang đến cho chúng ta.
Thông tin tác giả:
Tác giả Alex Rovira và Fernando Trías de Bes là hai người bạn thân, với tính cách đặc biệt, tư duy sống sáng tạo, tích cực, luôn say mê thích thử thách với những ý tưởng mới. Họ cùng đồng sáng lập công ty Salvetti & Llombart, với 40 cộng sự hàng đầu ở Barcelona, Tây Ban Nha - chuyên nghiên cứu thị trường, tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ. Alex Rovira là tác giả cuốn The Inner Compass và Fernando Trías de Bes là đồng tác giả cuốn Lateral Marketing với chuyên gia tiếp thị hàng đầu thế giới - Tiến sĩ Philip Kotler.
Dù chỉ ít người nhưng công ty đã rất nổi tiếng với hàng trăm dự án nghiên cứu thị trường cho các tập đoàn lớn như The Orange Group, Jazztel, Vodafone, Nestlé, Dannon, Hewlett-Packard, Mercedes-Benz, Credit Suisse, Winterthur, Sony Corporation, Pepsi, Fritto-Lay, Moet Chandon, Bongrain, McKinsey&Co., AT Kearney...
A.Beljaev được đánh giá là “một trong những người đặt nền móng cho loại truyện khoa học viễn tưởng Xô-viết”, với những tác phẩm như: Người bay Ariel, Người cá, Bột mì vĩnh cửu, Đầu giáo sư Dowel… Các tác phẩm đặc sắc của ông đều mang một nội dung xã hội sâu sắc, trong đó có cả tính khoa học, tính hấp dẫn và tính hài hước. Tác giả đã đề cập đến những vấn đề khoa học và kỹ thuật trong tương lai, chinh phục vũ trụ, sinh vật học, sinh lý học, y học ..v..v và có những dự kiến hết sức táo bạo.
Bột mì vĩnh cửu là sản phẩm “tự nở” bước ra từ phòng nghiên cứu của một nhà bác học đầy tâm huyết với quê hương. Để thử nghiệm, ông đưa cho một người đánh cá nghèo sử dụng với những lời căn dặn cẩn mật. Tuy nhiên, sáng chế chưa hoàn chỉnh của ông đã bị những người đánh cá nghèo sử dụng vô tội vạ, bị bọn đầu cơ trục lợi… và cuối cùng trở thành một thảm họa đe dọa sự tồn vong của toàn nhân loại. Nhà bác học phải đau đầu tìm cách hủy đi phát minh của mình, trong sự sục sôi căm hận của những người từng tung hô mình lên mây xanh…
Giấc mộng sói vương kể về cuộc đời đầy sóng gió và ước mơ nuôi dưỡng một trong những đứa con của mình trở thành Sói Vương của Tử Lam – một con sói cái giàu tình cảm mà vô cùng dũng mãnh, can đảm. Để hoàn thành tâm nguyện của Hắc Tang – người chồng đã quá cố của Tử Lam, đồng thời là một con sói xuất sắc hiếm có trong bầy sói ở núi tuyết Streca, trên thảo nguyên Ga Marr bao la rộng lớn, Tử Lam đã một mình vượt qua bao hiểm nguy, nghịch cảnh từ kẻ thù cho đến đồng loại để sinh ra đàn con, nuôi dưỡng chúng trưởng thành, rèn giũa cốt cách của một sói vương lần lượt cho Hắc Tử, Lam Hồn Nhi và Song Mao.
Nhưng cuộc đời như muốn thử thách lòng kiên trì của Tử Lam mà lần lượt Hắc Tử, Lam Hồn Nhi và Song Mao đều gặp nạn và chết thảm thương khi chỉ còn cách ngôi vị Sói Vương vài bước chân. Nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng cuối cùng, Tử Lam cũng không từ bỏ giấc mộng của mình và Hắc Tang. Dù có chết, Tử Lam cũng nhất quyết phải bảo vệ được những đứa con của Mi Mi – đứa con cuối cùng còn lại của Tử Lam và hi vọng một trong số bọn chúng sẽ trở thành Sói Vương.
Một câu chuyện rúng động chưa từng có!
Một câu chuyện về người mẹ dũng cảm nhất trong lịch sử!
Một câu chuyện sẽ đưa bạn đến thế giới của những loài động vật hoang dã, nơi quy luật sinh tồn được đặt lên trên mọi nguyên tắc khác!
Một câu chuyện KHÔNG THỂ KHÔNG ĐỌC!
Thể loại: Ngôn Tình, Cổ Đại, Nữ Cường, Vả Mặt, Ngược Nữ
Team dịch: Tớ Là Con Ma Nè
Giới thiệu
Trên đại điện hoàng cung, Khương Uyển Ca quỳ gối trước mặt đương kim thiên tử, từng chữ từng chữ vang dội, mạnh mẽ: "Bệ hạ, thần nữ xin chỉ xuất chinh biên cương, nếu bại, tự nguyện lấy thân báo quốc, chôn xương nơi biên ải; nếu thắng, cũng nguyện vĩnh viễn trấn thủ biên cương, không bao giờ hồi triều, bảo vệ bình an một phương!"
Hoàng thượng nhìn nữ tử dung mạo còn non nớt dưới đài, trong mắt tràn đầy thương tiếc: " Uyển Ca, cả Khương gia trung liệt, phụ thân và huynh trưởng con đã chiến tử sa trường ba năm trước, mẫu thân cũng tuẫn tiết theo người, nay Khương gia chỉ còn lại một mình con, lần này đi biên cương hiểm nguy trùng trùng, trẫm sao có thể nhẫn tâm lại phái con xuất chinh?"
Nhưng Khương Uyển Ca lại lắc đầu: "Vì nước quên thân là vinh quang vô thượng của Khương gia, cầu xin bệ hạ thành toàn!"
Thấy Khương Uyển Ca kiên trì như vậy, hoàng thượng cuối cùng cũng thỏa hiệp: "Con đã có lòng trung thành đáng khen, trẫm chuẩn tấu. Chỉ là bảy ngày sau chính là ngày thái tử đại hôn, con và thái tử từ nhỏ đã cùng nhau lớn lên, lần này chia ly, sẽ vĩnh viễn không thể gặp lại, chi bằng con tham gia hôn lễ của thái tử rồi hãy xuất thành thì sao?"
Khương Uyển Ca cúi đầu, trước mắt bất giác hiện lên khuôn mặt lạnh lùng, cô ngạo của Thẩm Từ Châu.
Nàng chua xót cười nhẹ, bẩm báo thiên tử: "Việc quân khẩn yếu, thần nữ trong lòng lo lắng cho bá tánh biên cương, đã định bảy ngày sau sẽ lên đường, e rằng không thể tham gia hôn lễ của thái tử điện hạ."
Tác giả: Mẫu Đơn Đỏ
Thể loại: Vả Mặt, Hiện Đại
Team dịch: Tiểu Lạc Lạc
Giới thiệu
Tôi cùng chồng đi câu cá, cá cắn câu rồi, trên mình nó lại đeo một chiếc vòng vàng lớn rất chặt.
Tôi bèn nói với anh ấy: "Vì con cá này đã đưa tiền chuộc mạng, vậy thì thả nó đi, nếu không e rằng sẽ gặp tai ương."
Anh ngoài mặt thì đồng ý.
Quay đầu lại liền đăng lên vòng bạn bè chế giễu tôi mê tín dị đoan.