Nghĩ ít đi và hôn nhiều hơn. Nghe theo lời khuyên ấy, Erica đi tìm Christian. Ngay từ phút đầu gặp mặt, họ đã mê nhau như phải bùa phải bả. Nhưng Erica tích cực tiến lại gần bao nhiêu thì Chris cố nhích ra xa bấy nhiêu, bất chấp thể xác nhức nhối đòi hỏi mỗi khi anh ở quanh nàng, thậm chí chỉ với ý nghĩ về nàng. Anh một mực ép bản thân né Erica, luôn tự nhủ trái mọng cũng là trái cấm. Song cuối cùng không chịu nổi khao khát giày vò, anh đành quỵ ngã trước sức quyến rũ của nàng và buông thả mình vào bể tình ấm áp. Tệ một nỗi đam mê chưa trọn vẹn, Chris đã vội cư xử như chàng hèn , hối hận rút ngay về hàng rào phòng vệ cũ và chối bỏ mọi thứ họ vừa chia sẻ với nhau. Nghĩ ít hôn nhiều hóa ra chỉ đủ cho một lần khơi ngọn, phải làm sao mới giữ được lửa tình lâu dài.
Suốt một năm trời sau khi bắn hạ tên Đao phủ Portland, thanh tra Brolin cứ ngỡ vụ án đã vĩnh viễn khép lại. Cho tới một ngày, anh phải đối mặt với một loạt vụ giết người mới mang đậm dấu ấn tên sát nhân man rợ đó, những vụ giết người thảm khốc, kinh hoàng hơn gấp nhiều lần. Tính mạng người con gái anh thương yêu nhất cũng bị cuốn theo một vòng xoáy hiểm họa đen tối. Dấn mình vào cuộc điều tra, Brokin phải hóa thân vào kẻ giết người để phán đoán đường đi nước bước của hắn, cùng không ít lần bị giằng co giữa cái Thiện và cái Ác, với một câu hỏi đầy ám ảnh: Liệu người ta có thể trao linh hồn cho quỷ dữ mà không bị trừng phạt?
Với Linh hồn ác, Maxime Chattam đã mang đến rất nhiều điều mới mẻ cho thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Một sự kết hợp tuyệt vời giữa phong cách hành động của trinh thám Mỹ và lối phân tích sắc sảo đến từng chi tiết khiến độc giả rùng mình được vì những hình dung quá đỗi rõ ràng của trinh thám Pháp. Và kết quả là một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn khôn cưỡng.
Linh hồn ác đã được trao giải Sang d' Encre cho tiểu thuyết trinh thám xuất sắc nhất năm 2002.
****
LỜI TÁC GIẢ
Thực tế vượt xa khả năng tưởng tượng.
Đó là câu châm ngôn hiện lên trong tôi với tất cả tính xác thực của nó trong suốt hai năm tôi mày mò nghiên cứu để viết cuốn tiểu thuyết này. Hai năm nghiên cứu khoa học pháp y - giám định pháp y, cảnh sát kỹ thuật và khoa học, tâm thần học tội phạm… - và đặc biệt hơn nữa là nghiên cứu về những kẻ giết người hàng loạt. Tôi đã đọc, đã thấy và đã nghe được những điều mà ngay cả nhà văn khéo léo nhất cũng không dám viết trong tiểu thuyết của mình, mặc dù khả năng nói giảm nói tránh trong phong cách của nhà văn ấy có thể làm giảm nhẹ các sự việc. Những hành động mà có lẽ tôi sẽ thấy lố bịch vì ghê tởm khi đọc chúng trong một cuốn sách hay nào đó, bởi chúng dường như không thể có thật, thế nhưng…
Nhưng trên tất cả, sau hai năm nghiên cứu, tôi nhận ra rằng cha mẹ tôi và tất cả các bậc cha mẹ khác trên thế giới này đều đã nói dối con mình: quái vật là có thực.
Không biện hộ cho sự ghê rợn, tôi cố gắng viết cuốn tiểu thuyết này gần với thực tế nhất. Đó hẳn là điều đáng sợ nhất.
Maxime Chattam
Edgecomebe, ngày 2 tháng 4 năm 2000.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc Lady Helen Tiernay gửi một lá thư cho vua Henry than phiền về Ngài Holden, gã hàng xóm xấu tính, cục cằn, tàn nhẫn của nàng và yêu cầu nhà vua phải làm gì đó…
Để đáp lại, Ngài Holden cũng gửi một lời than phiền tới nhà vua, yêu cầu nhà vua phải khâu miệng cô tiểu thư lắm điều, thích xía mũi vào chuyện người khác ở cạnh nhà chàng…
Vua Henry, mệt mỏi vì suốt ngày phải nghe hết lời than phiền này đến sự trách móc khác, đã nghĩ ra một giải pháp: Bắt hai người phải lấy nhau để họ tự đi mà giải quyết các rắc rối của mình
Liệu cuộc chiến giữa một anh chàng xấu tính, tàn nhẫn với một cô nàng lắm điều, hay lải nhải sẽ kết thúc ra sao? Hai người sẽ sống với nhau hạnh phúc đến cuối đời như trong truyện cổ tích hay họ sẽ giết nhau nội trong một tuần như vua Henry dự đoán? Mời các sis đón đọc.
P/S: Nếu đã đọc You belong to me các sis đã biết khi hai người không yêu nhau bắt buộc phải lấy nhau thì họ sẽ nghĩ ra những trò gì để huỷ bỏ hôn lễ. Tiểu thư Helen Tiernay có vẻ còn cao tay hơn cả Alex. Tuy nhiên Ngài Holden không phải là con công đẹp trai Vasili để dễ dàng chịu bị vặt lông …
Sau tác phẩm Bố già được nhiều độc giả trên khắp thế yêu mến, tác giả Mario Puzo đã viết tiếp tác phẩm Ông trùm quyền lực cuối cùng (hậu Bố già) với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn. Tác phẩm được tác giả Đặng Phi Hằng và L.L Ngọc Nhi dịch từ nguyên bản The last don.
Ông Trùm Quyền Lực Cuối Cùng với tuyến nhân vật là chính khách, nghệ sĩ, thám tử, Trùm mafia, “búa sát thù”, buôn lậu ma túy, cờ bạc, giựt dọc, làm tiền giả… quây quần trong “thế giới ngầm” của xã hội Mỹ, các ông Trùm mặc sức hòanh hành trong ” vương quốc ” của họ, trang quyền, địa bàn họat động và hạ sát nhau. Đó là cảnh nhà Santadio bị giết sạch ngay đám cưới con mà kẻ ra tay chính là ” sui gia” – Trùm Clericuzio.
Từ quan điểm cực đoan “Thế giới chỉ là thế giới thôi, còn ta chính là ta” qua bốn thập kỷ đẫm máu đồng lọai và nồi da xáo thịt, các ông trùm hiếu sát đầy mưu ma chước quỷ đã được nền văn minh nhân lọai cảm hóa. Ông Trùm cuối cùng tự rũ bỏ quyền lực, thu xếp con cháu hòa nhập cộng đồng, lấy người làm bạn và hiểu ” Thế giới này là của chúng ta” – mà ta là thành viên hữu ích…
Ông Trùm Quyền Lực Cuối Cùng – Cuốn sách với bối cảnh xã hội nhạy cảm ở địa bàn nóng bỏng hành tinh, đặt vấn đề thiết yếu của cộng đồng nhân loại mà người đọc “được mời” làm thẩm phán. Về văn học: đây là tác phẩm lớn – Ông Trùm Quyền Lực Cuối Cùng, thể hiện tài nghệ cao cường của Mario Puzo mà chúng ta may mắn có được.
Nguyên tác: The Adventures of Huckleberry Finn
Ernest Hemingway từng nói: “Toàn bộ văn học Mỹ hiện đại đều thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain, đó là Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”.
Sau những cuộc phiêu lưu cùng Tom Sawyer, Huck Finn được bà quả phụ Douglas đón về nuôi. Nhưng với bản tính ưa tự do, Huck không chịu nổi việc phải ăn vận sạch sẽ, học hành theo khuôn phép trưởng giả dù được sống giàu sang. Cộng thêm với việc người cha tưởng đã chết đột ngột trở về tiếp tục hành hạ, gây rắc rối cho cậu, Huck quyết định cùng Jim – một nô lệ da đen bỏ trốn – cùng xuôi dòng Mississippi, bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới.
Nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra trong chuyến phiêu lưu. Không chỉ thế, Huck còn lâm vào những tình huống nguy hiểm khi bị cuốn vào cuộc tranh chấp giữa hai dòng họ với những cuộc đọ súng chết chóc... Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Huck đã nhận ra giá trị của cuộc sống để hướng về sự tự do và hết lòng giúp đỡ người nô lệ da đen tội nghiệp. Từ một cậu bé chỉ biết phá phách, Huck đã xác định rõ ràng mục đích sống, biết phân biệt đúng sai bằng trái tim thuần hậu và thoát khỏi những định kiến méo mó được nhồi nhét qua cách giáo dục sai trái.
Các nhà phê bình văn học đã đánh giá Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn là tiểu thuyết ưu tú nhất của Mark Twain, bởi tác giả đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn phương ngữ của nhiều vùng, nhiều tầng lớp người để diễn tả những trạng huống tâm lý phức tạp, cũng như mô tả xuất sắc cảnh vật thiên nhiên. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của văn học Mỹ, và rất nhiều lần được đưa lên màn ảnh.
Tác giả:
Mark Twain (1835 - 1910) tên thật là Samuel Langhorne Clemens, sinh năm 1835 tại Florida, thuộc tiểu bang Missouri, Mỹ.
Sau khi tham gia quân đội miền Nam trong thời nội chiến Mỹ và trải qua nhiều nghề khác nhau, năm 1863, ông bắt đầu viết văn, dùng bút danh “Mark Twain”, có nghĩa là “sâu hai sải”, bắt nguồn từ kỉ niệm lái tàu trên sông Mississippi.
Mark Twain để lại một sự nghiệp đồ sộ gồm nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận châm biếm chính trị…, trong đó có Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (tiểu thuyết, 1876), Hoàng tử tí hon và chú bé nghèo khổ (tiểu thuyết, 1882), Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn (tiểu thuyết, 1885)…
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn là một đỉnh cao sáng tác của Mark Twain, kết hợp sự hài hước phong phú, khả năng tường thuật mạnh mẽ và châm biếm xã hội. Tác phẩm này đã được lọt vào danh sách những tiểu thuyết Mỹ hay nhất mọi thời đại.
Kẻ trộm sách - tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.
Chọn một đề tài tưởng như đã có quá nhiều cây bút đào xới - cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 - nhưng Markus Zusakvẫn gây bất ngờ cho người đọc. Người kể chuyện trong tác phẩm này là Thần Chết - một “gương mặt” quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu chuyện mà Thần chết kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với chính đồng loại của họ thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”. Đây là một câu chuyện với quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn. Dù vậy, nội dung chính của câu chuyện không lột tả những cảnh chiến trường đẫm máu của thế chiến II, những cảnh giết chóc man rợ… mà đây là câu chuyện về Liesel, cô bé gái mồ côi được làm con nuôi tại phố Thiên Đàng thuộc thành phố Munich. Chính tại thị trấn nhỏ nghèo nàn với vẻ ngoài bình yên của những trận đá bóng của trẻ con, những phi vụ ăn trộm nho nhỏ của đám trẻ đói khát, tình bạn tuyệt đẹp của Liesel và cậu bé Rudy đầy cá tính… đã toát lên không khí của nước Đức căng thẳng đầy những xung đột 0 một nước Đức đang trải qua một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại.
Từ cuộc sống nghèo tại phố Thiên Đàng nhỏ bé, Liesel đã phải - trực tiếp và gián tiếp - chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến, sự man rợ đến rùng mình của chế độ phát xít đối với những người Do Thái vô tội. Ngay trong số các công dân nước Đức luôn bày tỏ sự trung thành tuyệt đối với Quốc trưởng mọi lúc mọi nơi thì đó vẫn có những con người như Hans Hubermann - cha nuôi của Liesel - lén lút giấu trong nhà mình một thanh niên Do Thái trước sự truy lùng của chế độ Đức quốc xã. Và vì hành động đó, Hans và gia đình ông đã phải sống trong những tháng ngày căng thẳng, sợ hãi tột độ. Có biết bao bất hạnh ập xuống những con người vô tội ở phố Thiên Đàng, những đứa trẻ mang nhiều phẩm chất đẹp đẽ và tuyệt vời như Rudy cũng phải lãnh chịu số phận bi thương. Chứng kiến cảnh đó, chính trái tim của Thần Chết như bị giày xéo và khiến ông bật khóc. Trước những gì con người gây ra cho đồng loại, Thần Chết phải thốt lên: “Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”
Trong câu chuyện về Liesel, điều ấn tượng nhất với thần chết chính là niềm say mê sách của cô bé. Liesel ăn cắp những cuốn sách bất cứ khi nào có thể. Trong cuốn sách này còn có những tác phẩm của các nhân vật của chúng ta - những tác phẩm viết tay với hình minh họa đầy thú vị, cho thấy niềm say mê ngôn ngữ đồng thời đây là một ẩn dụ của tác giả về sức mạnh của ngôn từ. Ngôn từ có ma lực của riêng chúng: Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết. Ngôn từ trong Kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt thư thể những nốt nhạc của một bản giao hưởng.
Kẻ trộm sách được viết nên bằng một văn phong đặc biệt, lôi cuốn. Sự thành công của Kẻ trộm sách còn nằm ở tài năng khắc họa nhân vật của Zusak - ông đã thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến cho họ - tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy - vẫn sống động và đầy cá tính, vẫn khiến người đọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ, và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến tận trang sách cuối cùng. Đúng như lời khẳng định các nhà phê bình văn học, Kẻ trộm sách là một tác phẩm mà bạn sẽ khó lòng bỏ xuống nửa chừng một khi đã bước vào câu chuyện kể của vị thần chết đầy vui tính…
Macxim Gorki (1868 -1936) là nhà văn lớn của nước Nga, mở đầu trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông còn là nhà hoạt động văn hoá- xã hội nổi tiếng thế giới. Hy vọng THỜI THƠ ẤU sẽ làm hài lòng bạn đọc không chỉ các bạn nhìn thấy chính mình trong đó, quan trong hơn chính là bút pháp nghệ thuật điêu luyện của tác giả cuốn hút người đọc đến từng con chữ cuối cùng của tác phẩm.
Nhận định
"Đọc Thời thơ ấu các em sẽ thấy rằng tôi hoàn toàn là một con người nhỏ bé như các em, chỉ khác ở chỗ: ngay từ bé tôi đã duy trì được lòng ham muốn học tập và không sợ bất cứ thứ lao động nào.”
(M.Gocki)
"Chưa bao giờ chúng tôi đọc trong văn học Nga một tác phẩm nào hay hơn cuốn THỜI THƠ ẤU của anh...Chưa bao giờ anh khéo sử dụng nghệ thuật của mình một cách thành thạo như thế”
(R.Rolăng - nhà văn Pháp)
Cũng như các tác phẩm khác của Marc Levy, Em ở đâu? đi chung trên một con đường văn học của ông, riêng dành để ngợi ca tình yêu, tình bạn.
Em ở đâu? chia làm hai phần rõ rệt với nhân vật chính là Phillip, một chàng thanh niên toàn diện. Đẹp trai, thông minh, tài giỏi và chứa chan tình cảm, Phillip lẽ ra đã xứng đáng hưởng hạnh phúc tròn vẹn nếu không có những trớ trêu của số phận.Câu chuyện bắt đầu trên phi trường Neward, trong cuộc chia tay không hẹn trước của Phillip và Susan - một mối tình thanh mai trúc mã, đắm say nhất, thực sự nhất, mãi mãi ám ảnh cuộc đời Phillip. Không biết tự bao giờ, hai người bạn nhỏ hàng xóm lớn lên bên nhau, họ yêu nhau như lẽ tự nhiên của trời đất. Cùng chia sẻ tuổi thơ, cùng chia sẻ nụ hôn thứ nhất, rồi đam mê tình yêu đầu đời, tưởng chừng họ sinh ra để dành cho nhau.
Nhưng năm 14 tuổi, bi kịch xảy ra với Susan khi cha mẹ cô bị tai nạn xe hơi và qua đời. Phillip chia sẻ cùng cô mọi mất mát. Dù vậy, trái tim Susan đã bị tổn thương sâu nặng, và cô dành hết mơ ước đời người cho việc làm từ thiện, để xoa dịu những ai đã phải đau khổ như cô. Vừa học hết trung cấp, rất trẻ, Susan quyết định đến Hondurat - đất nước Trung Mỹ đang ngập trong thảm họa thiên nhiên. Họ xa nhau, và chỉ còn có thể yêu nhau, chia sẻ cuộc đời trên những lá thư. Susan đối mặt với cuộc sống gian khổ ở Hondurat, trở thành một nhân viên trợ cứu nhân đạo có uy tín, được yêu mến. Phillip bước vào đại học. Mỗi người một lý tưởng, họ vẫn yêu nhau, nhưng nỗi cô đơn dần xâm chiếm họ. Oái ăm hơn cho Phillip, khi Susan trở về, cô chỉ có vài giờ để gặp anh, cũng trên sân bay Neward, và rồi lại ra đi, vội vàng, không hứa hẹn. Lần sau nữa, cũng là như vậy. Họ biết rằng, sẽ là công bằng hơn, nếu họ chia sẻ nỗi cô đơn của mình với những cuộc đời khác. Nhưng điều đó thật không dễ dàng. Susan tìm hơi ấm ở nhiều người không quen biết. Phillip kết hôn với một người con gái khác, đó là Mary. Một vài lá thư nữa, rồi họ mất dấu trong đời, dù mãi ám ảnh nhau.
Phần hai xoay quanh cuộc đời của Phillip và Mary. Quen nhau, cùng đi chơi hơn một năm, như Phillip không tiến gần hơn vì vẫn gắng đợi người yêu. Nhưng rồi khi mất Mary, Phillip mới hiểu, đó là cuộc sống thực tại của mình. Không nồng nàn, cuống quýt, điên cuồng, nhưng đó là hơi thở ấm áp để mỗi sáng thức dậy không cô độc. Hôn nhân phẳng lặng, giấu phía sau là nỗi buồn của Phillip. Và nó bùng lên khi Phillip hay tin Susan đã chết, cô trao gửi con gái với một người tình xa lạ cho anh nuôi dạy. Một người đau khổ, một người tức giận, những đứa trẻ bị tổn thương, gia đình Phillip đứng trước mối đe doạ tan vỡ. Chỉ có tình thương yêu của họ, mối động tâm xa xót trước những tâm hồn bé dại, những số phận tội nghiệp mới khiến họ vượt lên được mất mát, giúp nhau vững bước. Hơn thế, niềm hạnh phúc trọn vẹn sau gần 20 năm chung sống mới thực sự hạ cánh trên mái nhà của Mary và Phillip.
Câu chuyện ngợi ca tình yêu, tình bạn, tình cha con, mẹ con, và bao trùm tất cả là tình người. Một điều tuyệt đẹp nữa, chính là tất cả tình cảm đó đều được chan hòa vào một lý tưởng sống, một bản lĩnh sống hết sức nồng nhiệt của tuổi trẻ.
Kiếp sau được tạp chí Paris Match ngợi ca là một Romeo và Juliet của hôm nay. Chàng Romeo hiện đại có tên Jonathan – một nhà phê bình hội họa danh tiếng, người say mê những tác phẩm của Vladimir Radskin như một định mệnh, và Juliet là Clara – chủ phòng tranh tại London, người được thừa kế biệt thự nơi Radskin đã sống và sáng tác cuối đời. Hai con người, hai miền đất, hai số phận đã được kết nối bằng bức tranh huyền thoại Thiếu nữ áo đỏ của Radskin. Trên hành trình đi tìm giá trị thực cho bức tranh, cả hai đã dần khám phá ra những bí ẩn về thân phận của mỗi người, về một tình yêu mãnh liệt và trắc trở từ nhiều kiếp trước. Câu chuyện kết thúc, lãng mạn và đau đớn như mối tình của Romeo và Juliet năm xưa, Jonathan đã chọn cái chết để được ở gần Clara, và để nuôi dưỡng một tình yêu bất tử, điều sẽ khiến họ thuộc về nhau mãi mãi ở kiếp sau.
Một cốt truyện hấp dẫn có sự hòa trộn của nhiều yếu tố: tâm linh, trinh thám, lãng mạn. Một lối viết không dụng đến những ẩn dụ khó hiểu. Một môtip đậm chất cổ tích. Có lẽ, những yếu tố ấy đã làm nên sự thành công cho Kiếp sau. Người ta khó có thể tìm thấy ở đây sự cách tân độc đáo nào về mặt nghệ thuật, thay vào đó, cảm xúc mãnh liệt là điểm mạnh trong sáng tác của Marc Levy nói chung, Kiếp sau nói riêng. Văn học ngày nay đang dần xa những mối tình kiểu Romeo – Juliet (Romeo và Juliet) hay Heathcliff – Catherine Earnshaw (Đồi gió hú), điều đó khiến người đọc cũng dần quên những mơ mộng về một tình yêu bất tử. Marc Levy, bằng sự mẫn cảm đặc biệt, đã biến những mơ mộng bị lãng quên ấy thành hiện thực trong cuốn tiểu thuyết của mình. Hơn cả sự say đắm thường thấy, tình yêu của Jonathan và Clara như một sự sắp đặt của vận mệnh, họ là của nhau, họ thuộc về nhau, họ sinh ra cho nhau, chết vì nhau, và tái sinh vĩnh viễn để tìm nhau. Điều đó giản dị và thiêng liêng như hơi thở, như sự sống.
Để khẳng định sức mạnh tình yêu giữa Jonathan và Clara, Marc Levy đã đặt hai nhân vật ở giới hạn cuối cùng của đời người: cái chết. Và một lần nữa, ông khiến độc giả ngỡ ngàng xúc động vì sự bất lực của cái chết trước mối tình bất tử: “Em có tin rằng người ta yêu nhau tới mức cái chết cũng không xóa được ký ức không? Em có tin rằng tình cảm sẽ tồn tại vĩnh cửu và mang lại sự sống cho con người không? Em có tin rằng thời gian có thể mãi mãi tái hợp những người yêu nhau mãnh liệt đến độ không bao giờ mất nhau? Em có tin điều đó không, Clara?”. Hai nhân vật của Marc Levy đã sống hết mình cho niềm tin ấy từ kiếp này qua kiếp khác, họ giúp độc giả nhận ra rằng: mạnh hơn cả lòng hận thù, mạnh hơn cả cái chết, nguồn năng lượng hồi sinh những linh hồn, đó là tình yêu mãnh liệt.
Với Kiếp sau, ta được gặp lại một Marc Levy trầm tĩnh, lịch lãm và hào hoa, nhà văn đã khiến nhiều độc giả Việt Nam rung động qua tiểu thuyết được xuất bản cách đây không lâu Nếu em không phải giấc mơ. Đọc Kiếp sau, nhiều người hiểu rằng tại sao Marc Levy lại có sức hút mãnh liệt đến vậy tại Pháp cũng như trên toàn thế giới, và Nếu em không phải giấc mơ cũng như Kiếp sau chỉ là bước khởi đầu ấn tượng cho sự xuất hiện của Marc Levy tại Việt Nam.